Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Giảng đường F
Chuyện kể khá thú vị về một mảng tối của thế giới đại học và sau đại học. Người ta có thể đọc truyện rồi tham chiếu với chính thế giới ấy ở ngoài đời, qua kinh nghiệm bản thân, cũng như qua những gì báo chí đã không tiếc công điều tra, phản ánh. Nhưng văn chương có con đường riêng của nó. Nơi ấy, chân lý khoa học đã trở thành đối tượng để người ta giễu cợt, bị người ta “làm xiếc”, tất cả được đặt trong một không gian “âm u”, “vàng vọt”, “chạng vạng”..và bức tranh ấy dần dần bị lộ diện….
Trích đoạn
Giang bất ngờ quay sang tôi: “Này, ông có nhớ cái thằng cha ngồi ở góc giảng đường không?”
Phụ nữ thường đột ngột lôi một chuyện từ trên trời xuống. Nhưng trong trường hợp này, tôi biết Giang nói ai. “Nhớ. Sao?”
“Trông thấy gã ấy là thấy bất an rồi”, nàng nói.
Đúng. Thằng cha đó như cái bóng. Nhìn thật u ám.
Đó là một buổi bảo vệ luận án buồn tẻ. Bắt đầu vào lúc sáu giờ chiều. Dù máy lạnh chạy hết cỡ, nhưng trong phòng vẫn ngột ngạt. Bên trên, nghiên cứu sinh đang thuyết trình, giọng đều đều rất dễ gây buồn ngủ. Đề tài thì chán ngắt. Các thầy trong Hội đồng chấm luận án có vẻ như đang sốt ruột. Vì đói? Mệt? Những buổi bảo vệ muộn như thế này chỉ có lợi cho nghiên cứu sinh, vì thầy nào cũng muốn chóng xong để còn ra về. Tôi và Giang vì là nghiên cứu sinh năm cuối nên vẫn phải cố đi dự. Quy định là thế. Chúng tôi thường chọn ngồi ở hàng ghế cuối cùng, phía bên trái, chỗ ấy gần cửa ra vào phía sau nên thoáng hơn, cũng dễ chuồn hơn nếu thấy không thích nghe nữa. Tôi đang lơ mơ nghe câu được câu chăng thì bất đồ Giang cấu vào tay, chỉ cho tôi thấy một gã đang ngồi cũng hàng dưới cùng nhưng góc bên phải.
Nghịch lý ở chỗ, trong những buổi “trình diễn” như thế này lại có một thằng cha chăm chú nghe, thậm chí còn ghi chép vào tờ giấy đặt trước mặt. Và, lại ngồi ở một cái chỗ tối tăm nhất giảng đường?