Availability: In Stock

X.30 Phá Lưới

Tác giả: Đặng Thanh

Tác phẩm trinh thám “X.30 Phá Lưới” của nhà văn Việt Nam Đặng Thanh.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Mô tả

Sơ lược tác phẩm X.30 Phá Lưới

Trong các tác phẩm của nhà văn Đặng Thanh, nổi bật nhất là tiểu thuyết “X.30 phá lưới”. Tác phẩm này được viết ở miền Bắc nhưng năm 1975 mới in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, sau in thành sách. Lúc đó nhà văn Đặng Thanh đang làm bên Tòa án nhân dân TP HCM. Vào thời đó, đất nước mới giải phóng, trên thế giới vẫn còn hai phe Xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ, những tác phẩm văn học còn ít, đặc biệt truyện tình báo, phản gián rất thiếu. Từ đó, truyện này khi xuất bản trong nước đã gây sốt trên văn đàn. Sau đó, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhiều nước xuất bản: Nga, Bungari, Nhật, Mỹ… Khi biết tin một nhà xuất bản ở Nhật in tác phẩm này, một người quen của nhà văn Đặng Thanh đã kiện ông, đòi quyền tác giả và nhuận bút.

Theo lời kể của ông Tuấn Phương và vợ chồng ông Tuấn Dũng, lai lịch của chuyện này như sau: Khi bắt đầu viết “X.30 phá lưới” thì gia đình ông Thanh còn ở miền Bắc, do bận rộn nên ông Thanh nhờ một người thầy giáo dạy Văn sửa giùm lỗi chính tả trong bản thảo. Vì cũng bận nên người thầy giáo này lại nhờ một đồng nghiệp cũng dạy Văn làm giùm. Khi truyện in trên báo thì không thấy người này lên tiếng đòi hỏi quyền lợi, nhưng khi nghe tin một nhà xuất bản ở Nhật in tác phẩm này, thì người thầy giáo sửa giùm bản thảo kia kiện ra tòa đòi tác quyền và nhuận bút.

Tại tòa, ông này không trưng ra được bằng chứng gì chứng minh mình là tác giả. Ngược lại, nhà văn Đặng Thanh đã trưng ra nhiều bằng chứng thể hiện mình là tác giả. Đối chiếu các bằng chứng và xét lai lịch của hai người, tòa án kết luận ông Đặng Thanh là tác giả của “X.30 phá lưới” vì chỉ có những người làm trong ngành tình báo hoặc có tư liệu về nó mới am tường mà viết ra được những truyện về tình báo. Trong khi đó, ông thầy giáo kia chỉ là một giáo viên dạy Văn, không thể có tư liệu, vốn sống và sự hiểu biết, trải nghiệm như ông Đặng Thanh. Tuy nhiên, tòa cũng tuyên nhà văn Đặng Thanh phải viết lời cảm ơn cho người thầy giáo kia. “Chuyện đó thì không phải đến lúc tòa tuyên, bố tôi mới làm. Khi xuất bản, ngay trang đầu, ông đã viết lời cảm ơn nhiều người, trong đó có người thầy giáo kia”, ông Tuấn Phương chia sẻ.

Mấy chục năm trôi qua, những tác phẩm của ông vẫn được tái bản, làm say mê hàng triệu độc giả. Đọc truyện của ông để hiểu thêm và tự hào về lịch sử, trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

Lời nói đầu

Tháng 8 năm 1945, Ngô Đình Diệm bị bắt tại Đức Phổ (Quảng Ngãi) khi hắn trên con đường chạy trốn.

Vì có nhiều nợ máu đối với Cách mạng trong thời kỳ là tri phủ Tuy An, quản đạo Ninh Thuận và tuần vũ Khánh Hoà, Uỷ ban khởi nghĩa địa phương chuẩn bị đưa hắn ra xét xử trước Tòa án Nhân dân.

Nhưng có lệnh giải hắn ra Bắc…

Chính quyền nhân dân lúc bấy giờ mới thành lập. Với chính sách đại lượng khoan hồng, Hồ Chủ Tịch không những đã ban ơn tha tội chết cho hắn, lại còn cho phép hắn được ở thủ đô, đãi ngộ hắn như khách, cho hắn được tự do đi lại, rồi sau đó, được vào ở hẳn trong một nhà thờ Thiên chúa giáo ở phố Hàng Bột theo sự thỉnh cầu của hắn.

Tuy biết hắn là một tên tráo trở, đã từng làm tay sai đắc lực cho Pháp, bị Phạm Quỳnh hất cẳng thì chạy theo liếm gót Nhật, đến khi Nhật đầu hàng đồng minh thì lại tìm cách quay về với chủ Pháp, Cách mạng vẫn mở rộng cửa với hắn, tạo điều kiện cho hắn trở về với con đường của dân tộc.

Thế nhưng, sau khi được vào ở trong nhà thờ, Diệm đã thông qua một cha cố Pháp để bắt liên lạc với tướng Lơ-cờ-léc (Leclerc) chỉ huy quân đội Pháp, đóng ở trong thành. Tướng Leclerc đã lệnh cho Phòng Nhì Pháp giải thoát Diệm. Phòng Nhì Pháp đã giao việc thực hiện cho một người giúp việc bí mật của chúng là Phan Thúc Định – con của tuần vũ Phan Thúc Ngân, bạn thân của Diệm – đưa hắn vào thành, rồi bằng phương tiện của quân đội, Pháp bí mật đưa Diệm sang Hồng Kông.

Từ đó, Diệm về Sài Gòn, sang Paris.

Tuy ra tay cứu Diệm nhưng không tin Diệm bằng những tên tay sai khác, nên hắn không có vai vế gì trong chính phủ bù nhìn do Pháp dựng nên.

“Sau bao năm từng lê gót nơi quê người”, như sau này hắn đã phô trương, Diệm tìm đường sang Tô-ky-ô (Tokyo), nói là đi thăm Kỳ – ngoại hầu Cường Để, nhưng thực ra, hắn chủ tâm đi tìm chủ mới.

Tháng 2 năm 1950, một người Mỹ tên là Phi-sin (1) đến gặp hắn tại khách sạn Đại Đông Á, đưa cho Diệm bức thử của Hồng Y Giáo chủ Spen-man (2), mời Diệm sang Mỹ. Kèm theo bức thư, Phi-sin đã đưa cho Diệm một ngân phiếu mười vạn đôla lãnh tại ngân hàng Tô-ky-ô.
Năm 1951, Diệm sang Mỹ được Hồng Y Giáo chủ Spen-man nhận làm con đỡ đầu và cho ở tại chủng viện Ma-ry Nôn (3).
Hai năm sau, CIA đưa vào học trường đại học Michigan (Mi-sit-găng). Lúc này hắn vừa tròn 53 tuổi. Tại đây, câu chuyện bắt đầu…

Trích đoạn

Chương 1: Phan Thúc Định

PHAN THÚC ĐỊNH
Tiến sĩ luật

Diệm lẩm bẩm:

– À, ra anh chàng đã đỗ tiến sĩ luật.

Một cái hộ chiếu của Định được cấp từ Pháp cho phép nhập cảnh nước Mỹ. Một cái ảnh Định đứng dưới chân tháp Ép-phen. Tất cả những thứ ấy, Diệm không chú ý tới, chỉ xem qua. Nhưng có hai vật, Diệm cứ bâng khuâng ngắm nghía, cầm mãi trên tay. Một là bức bưu ảnh in hình Đức bà Ma-ri-a màu sắc, đề in rõ tại nhà in riêng của Va-ti-căng. Đức Bà bồng đức Chúa Hài Đồng trên tay, mặt phúc hậu, đẹp dịu dàng, cặp mắt hơi buồn đầy vẻ thương yêu, chung quanh người toả hào quang. Nét vẽ trau chuốt, sinh động đến nỗi người ta nhớ những bức họa của Lê-ô-na đờ Vanh-xi. Đây không phải là bức bưu ảnh thường. Vừa nhìn thấy, Diệm biết ngay đây là của Đức Cha anh, Ngô Đình Thục. Người cầm bức ảnh ấy – chỉ anh em Diệm mới hiểu riêng với nhau thôi – là người đã được Ngô Đình Thục thẩm tra rồi và tin cẩn được. Ngô Đình Diệm là người rất tin ở CIA, nhưng lại tin anh em ruột mình hơn cả CIA. Diệm biết anh mình là Ngô Đình Thục có cả một màng lưới tai mắt tay chân riêng rộng lớn mà nhiều lần Phòng Nhì của Pháp ở Việt Nam đã phải nhờ vả. Đức chúa Giê-su dạy các tông đồ rằng: “Được cả và thiên hạ làm gì nếu mà mất nước thiên đàng?”. Ở giám mục Ngô Đình Thục thì “nước thiên đàng” không trọng bằng “nước hạ giới” nên người “tinh thạo” việc đời lắm. Người đã giao cho Định cầm bức bưu ảnh Đức bà Ma-ri-a này.

Vật thứ hai là một cái thẻ ngà. Khi đưa ví cho Diêm, cả Lên-sđên và Phi-sin cũng không hiểu vật đó là gì. Diệm phải giải thích cho hai tên Mỹ hiểu: Đây là cái thẻ của Nam Triều ban cho các quan lại, trên ghi chức tước phẩm ngạch để treo ở ngực bên trái ngoài chiếc áo dài. Lên-sđên gật gù:

– À… như trong quân đội Mỹ khâu vải ghi tên và cấp bực của mình ở ngực đây. Có cái khác là chúng tôi đeo ngực bên phải.

Chiếc thẻ ngà có mấy hàng chữ nhỏ. Chiếc thẻ ngà của người đồng liêu Phan Thúc Ngân đã quá cố đây. Phan Thúc Định vẫn giữ những di vật kỉ niệm một thời làm quan của bố. Anh ta thật là một người con chí hiếu. Những người như thế này làm sao quên được mối thù của Cộng sản đối với gia đình mình? Những người như thế này sẽ là những người rất đắc lực cho ta đây. Bức bưu ảnh của Đức Cha anh Ngô Đình Thục và cái thẻ ngà của bố mà anh ta còn trân trọng như một báu vật này đủ cho ta hiểu con người ấy như thế nào rồi. Các ông CIA nhiều khi cũng khá cẩn thận. Người Mỹ làm thế nào lại có thể hiểu được người Việt Nam bằng người Việt Nam, bằng ta.

Cái thẻ ngà bâng khuâng trên bàn tay dày thô và ngắn ngủn của Diệm. Ở giữa cái nước Mỹ xa xôi toàn những con người chỉ biết có thực tại, cái vật lạc loài này tự dưng đến càng làm hắn xót xa nhớ tới dĩ vãng bạc vàng. Nhìn cái thẻ ngà, hắn như nhìn thấy cả quá khứ sống lại. Cái vật thân thuộc và nhiều kỉ niệm… Chỉ riêng việc Phan Thúc Định trân trọng giữ gìn cái thẻ ngà này đủ làm cho Diệm ưu ái Định hơn lên.

Những chuyện ít biết về Đặng Thanh – tác giả tiểu thuyết tình báo “X.30 phá lưới”

Nhà văn Đặng Thanh nổi tiếng trên văn đàn thập niên 70 – 80 thế kỷ trước với những tiểu thuyết tình báo, phản gián, trong đó nổi bật nhất là cuốn “X 30 phá lưới” nói về nhà tình báo Phan Thúc Định. Tác phẩm này từng được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản tại: Nga, Mỹ, Nhật, Bungari… Cũng vì sự nổi tiếng đó mà ông dính vào chuyện kiện cáo lôi thôi.

Những người sinh vào thập niên 70 trở về trước và sống ở miền Bắc, miền Trung hẳn không lạ gì với “X 30 phá lưới” của nhà văn Đặng Thanh. Trong trí nhớ của tôi, lúc đó còn là một đứa trẻ 9-10 tuổi sống ở miền quê nghèo Hà Tĩnh, những người trong xóm chuyền tay nhau đọc tác phẩm này đến quăn queo. Chúng tôi say mê theo nhân vật Phan Thúc Định với những tình tiết ly kỳ trong hành trình xâm nhập vào cơ quan đầu não của chính quyền họ Ngô. Ngưỡng mộ nhà văn và nhân vật của ông, không ngờ mấy chục năm sau, tôi lại có cơ duyên được “gặp lại” ông và nhân vật X 30.

Nguồn / Đọc thêm: CAND Online

Thông tin bổ sung

Tác giả

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, PDF