Mô tả
Sơ lược tác phẩm truyện tranh Chiếc Lược Ngà
Lần đầu tiên, câu chuyện cảm động về tình cha con trong bối cảnh chiến tranh của một gia đình miền Tây Nam Bộ, nổi tiếng qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, được chuyển thể thành truyện tranh.
Chiếc lược ngà – kỷ vật không chỉ là hình tượng cho tình cha con sâu nặng, mà còn là vật chứng của tình yêu, của niềm tin và cả sự kiên cường, dũng cảm của hai thế hệ khi đi qua cuộc chiến đầy đau thương, mất mát.
Với tập 1 truyện tranh Chiếc lược ngà, B.R.O đã khắc họa thành công nhân vật bé Thu cùng những xung đột tâm lý trẻ con, cũng như sự nhẫn nhịn chịu đựng và dồn nén tình cảm yêu thương của người cha… Một câu chuyện về tình cảm gia đình được kể lại một cách nhẹ nhàng và mộc mạc như chính giọng văn của tác giả, nhưng câu chuyện ấy, tình cảm ấy dường như trở nên sống động hơn, nồng hậu hơn qua ngôn ngữ thoại, qua những khung hình biểu lộ đầy cảm xúc mà B.R.O đã tâm huyết chuyển thể trong suốt thời gian qua.
Chiếc Lược Ngà – ấn phẩm trong tủ sách Truyện Tranh Danh Tác Việt Nam do nhóm B.R.O chuyển thể được xuất bản bởi sự đầu tư của Công ty Phan Thị.
Lời bình
Tóm tắt tác phẩm Chiếc Lược Ngà
Ông Sáu rời nhà đi kháng chiến từ khi con gái còn nhỏ, chỉ được thấy con qua tấm ảnh nhỏ. Suốt những năm tháng sống ở chiến trường, không lúc nào ông Sáu nguôi ngoai nỗi nhớ về con gái. Ba ngày được về nghỉ phép, ông Sáu nôn nao được trông thấy con, vội vàng, cuống quít. Nhưng đến khi về tới nhà, bé Thu, con gái ông, lại không nhận ra ba mình bởi vết thẹo trên mặt ông Sáu do chiến tranh để lại. Suốt ba ngày, ông Sáu cố gắng gần gũi, vỗ về con nhưng càng lại gần thì con gái càng đẩy ông ra. Đến lúc con bé không nghe lời, ông Sáu vung tay đánh vào mông nó, bé Thu bỏ về nhà ngoại. Đến khi bé Thu nhận ba thì cũng là lúc ông Sáu phải vào chiến trường. Trước khi chia tay ba, bé Thu muốn ba mua cho mình một chiếc lược khi ba trở về. Trở lại chiến trường, nỗi nhớ con càng đau đáu, ông Sáu nhớ lời hứa với con gái, lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ làm cho con một chiếc lược. Nhưng chưa kịp trở về đưa chiếc lược tận tay con gái thì ông Sáu đã hi sinh ở chiến trường. Chiếc lược ông gửi lại cho người đồng đội là ông Ba, nhờ đưa cho con gái mình, rồi mới nhắm mắt đi xuôi.