Availability: In Stock

Thừa Tự

Tác giả: Khái Hưng

Tác phẩm “Thừa Tự” của tác giả Khái Hưng.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Mô tả

Giới thiệu tác phẩm Thừa Tự

Ấn phẩm “Thừa Tự” của tác giả Khái Hưng, sách do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1967.

Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn” là tên gọi mà nay đã trở nên thông dụng. đó là sự xác định về một thiên tiểu thuyết có luận đề, tức là một câu chuyện hư cấu với những nhân vật và cốt truyện hư cấu, nhằm thể hiện một hoặc một vài tư tưởng xã hội, nhân sinh của tác giả. So với truyện truyền kỳ, truyện Nôm, truyện chương hồi, thì đây là một cơ cấu nghệ thuật khác, được tạo dựng theo mô hình tiểu thuyết châu Âu. Các tiểu thuyết gia Tự Lực văn đoàn đã đem chất liệu đời sống Việt Nam, ngôn từ Việt Nam đan dệt theo cái mô hình dù sao cũng còn xa lạ ấy, dân tộc hóa nó đi để nó có thể được tiếp nhận bởi công chúng Việt Nam. Và họ đã thành công trên hướng này.

Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu Sơn tráng sĩ (1934), Gia đình (1936), Thoát ly (1937), Thừa tự (1938) của Khái Hưng; Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Đôi bạn (1937)… của Nhất Linh, Con đường sáng (1938) của Hoàng Đạo, v.v… đã gây được dư luận về các vấn đề xã hội và văn học.

Người ta thấy các câu chuyện trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn thường là những chuyện tình, xoay quanh tình yêu, hôn nhân. Nhưng các chuyện tình ở đây khác với chuyện tình trong truyện Nôm tài tử giai nhân ở mức độ chống lễ giáo phong kiến quyết liệt không khoan nhượng của nó. Đây là chuyện tình của những con người đô thị, của những “chàng” những “nàng” tân thời, học chữ Tây, sống ở đô thị, hấp thụ văn minh châu Âu. Tình yêu và hôn nhân là lĩnh vực mà họ dễ vấp phải những gò bó của lễ giáo cũ; họ phải vượt qua để tự khẳng định nhu cầu tự do của mình. Họ đòi tự do trong cuộc sống, trước hết là tự do yêu đương, tự do kết hôn. Họ tìm thấy cái đẹp, thấy giá trị trong cuộc sống Âu hóa: cá nhân, tự do, hạnh phúc. Họ phủ nhận con người chức năng trong luân thường đạo lý Nho giáo. (2)

Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn tìm tòi và thể hiện những con người mới ấy, trong cuộc sống mới, đô thị hóa. Nó xây dựng một văn hóa nhân cách mới mà giá trị trung tâm là con người cá nhân tự do: không có những “con người mới” kiểu này thì trong cộng đồng xã hội người không thể có “dân chủ”, “dân quyền”.

Lúc đầu, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn bị phản đối quyết liệt: cả ở nội dung đòi hỏi giải phóng con người cá nhân tự do, cả ở hình thức văn học ít nhiều xa lạ với truyền thống. Nhưng rồi, từng bước một, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn chinh phục được công chúng, trở nên quen thuộc với họ, nhất là lớp công chúng thị dân, học sinh. Và khi các nhà tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn đã đi hết chặng đường sáng tạo của họ, thì “kiểu dáng” tiểu thuyết họ tạo dựng đã trở thành cái nền, thành điểm tựa để nhiều nhà văn thuộc các xu hướng khác tiếp nhận để đi tới những thành tựu cao hơn.

Ngày nay nhìn lại, chúng ta buộc phải nhận rằng: các tiểu thuyết gia Tự Lực như Khái Hưng, Nhất Linh đã không tạo ra được những tác phẩm kết tinh cỡ như một Số đỏ (của Vũ Trọng Phụng), một Chí Phèo (của Nam Cao), nhưng sẽ không công bằng nếu chúng ta không thấy rằng ngay ở những kiệt tác không phải của Tự Lực văn đoàn ấy vẫn có phần đóng góp của Tự Lực văn đoàn, bởi ảnh hưởng của lối viết tiểu thuyết kiểu mới do Tự Lực văn đoàn đề xuất có một ảnh hưởng rất đậm, rất mạnh, tác động đến hầu hết những người viết văn xuôi hư cấu đương thời.

Về tác giả

Về tác giả Khái Hưng

Khái Hưng

Khái Hưng (1896 – 1947) là một nhà văn người Hải Phòng. Cùng với Nhất Linh, ông là cây bút chính của Tự Lực Văn Đoàn.

Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư. Bút danh Khái Hưng được hình thành khi ông dùng phép đảo chữ để sắp xếp lại các chữ cái trong tên thật Khánh Giư.

Khái Hưng đi học ở trường Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài I, vì không muốn làm công chức, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hỏa. Được một thời gian, Khái Hưng tới Hà Nội dạy ở trường Tư thục Thăng Long. Trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Khái Hưng đã quen Nhất Linh ở đó và họ trở thành một cặp tác giả nổi tiếng. Tuy Khái Hưng hơn Nhất Linh 9 tuổi nhưng là người bước vào văn đoàn sau nên được gọi Nhị Linh.

Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập. Văn đoàn này bắt đầu xuất hiện công khai từ 1932, và đến đầu năm 1933 thì tuyên bố chính thức thành lập với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo.

Cùng thời gian đó, Tự Lực Văn Đoàn ra tờ báo Phong Hóa. Về sau khi Phong Hóa bị đóng cửa thì tờ Ngày Nay thay thế. Cùng với báo, Tự Lực Văn Đoàn còn có nhà xuất bản Đời Nay. Toàn bộ tác phẩm của Khái Hưng đều do Ngày Nay và Đời Nay công bố.

Là một trong những cây bút chính của nhóm, tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng Hồn bướm mơ tiên (1933) là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Tiểu thuyết cuối cùng của ông là Thanh Đức (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm. Khái Hưng cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết là Gánh hàng hoa và Đời mưa gió và ra đời chung tập truyện ngắn Anh phải sống cùng năm 1934.

Giống như các tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn khác, tác phẩm của Khái Hưng thường đề cao tình yêu tự do, chống lại các lễ giáo phong kiến, ít nhiều mang tính cải cách xã hội. Khái Hưng cũng có viết một số vở kịch, thường chỉ một hồi, nhưng ít được công diễn. Trong những năm 1935 đến 1940, Khái Hưng là nhà văn được nhiều thanh niên thành thị ưa chuộng. Khái Hưng cùng là một dịch giả. Bài Tình tuyệt vọng ông dịch từ thơ của Félix Arvers rất nổi tiếng.

Nguồn: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Nhà xuất bản

NXB Văn Nghệ

Năm xuất bản

1967

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, PDF