Mô tả
Giới thiệu Kinh Tế Học Hài Hước
Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner là hai cái tên không hề xa lạ với độc giả Việt Nam, với những tựa sách “Kinh tế học hài hước”, “Siêu kinh tế học hài hước”, “Tư duy như một kẻ lập dị”.
Chắc chắn, khi đọc cuốn sách này, bạn đọc sẽ bắt gặp những khoảnh khắc khiến các bạn ồ lên vì thú vị, thậm chí là bật cười vì sự độc đáo và hài hước của câu chuyện mà các tác giả mang lại. Nhưng không chỉ hài hước, đó còn là những thực trạng có phần phi lý đang tồn tại ngay trước mắt mà chúng ta không hề hay biết (hoặc không đủ hài hước để nhận ra, cũng có thể là như vậy).
Lời giới thiệu
Thời thơ ấu, chúng ta thường đặt ra vô số câu hỏi về thế giới xung quanh mình. Tại sao sấm chớp lại xuất hiện lúc mưa giông? Tại sao trái đất quay? Tại sao đôi lúc chiến tranh lại xảy ra? Tại sao có người giàu người nghèo? Tại sao và tại sao…
Các câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” sẽ biến mất dần khi trưởng thành. Lúc này, những thắc mắc của chúng ta bớt tính tò mò và trở nên thực dụng hơn. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu về công việc, tiền lương, lãi suất, bất động sản, chứng khoán và những câu chuyện trà dư tửu hậu khác.
Tuy nhiên, vẫn có những người tiếp tục theo đuổi các câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” về thế giới xung quanh mình. Họ trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên viên công nghệ hoặc nghệ sĩ.
Steven D. Levitt tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1989 và trở thành một nhà kinh tế học nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Anh nhận giải thưởng John Bates Clark vào năm 2003, khi mới 36 tuổi. Cũng giống như nhiều nhà kinh tế học khác, Levitt luôn đặt câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” về thế giới xung quanh. Nhưng khác với số đông, anh chỉ tò mò về những thứ thú vị mà phần nhiều trong đó đều rất “quái” và ngộ nghĩnh. Là một nhà kinh tế học sắc sảo và uyên bác, Levitt luôn tìm cách thỏa mãn trí tò mò về thế giới xung quanh. Anh đã sử dụng các công cụ kinh tế và phương pháp luận của một nhà khoa học để trả lời các câu hỏi kỳ quặc về sự vận hành của cuộc sống hay các hiện tượng xã hội nổi bật. Levitt tò mò về sự sụt giảm bất ngờ của tỷ lệ tội phạm ở New York (theo dự báo lẽ ra nó phải tăng lên), về thế giới của những tay buôn ma túy đường phố, về mối liên hệ giữa cái tên và số phận khi trưởng thành của đứa trẻ. Bằng con mắt và trí tuệ của một kinh tế gia xuất sắc, Levitt hé mở cho chúng ta thấy những khía cạnh bất ngờ, hài hước đằng sau tất cả mọi thứ, giống như tên của cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay.
Kinh tế học sinh sau đẻ muộn so với các ngành khoa học cơ bản khác. Nhưng như để bù lại khiếm khuyết về tuổi đời, kinh tế học đã trỗi dậy mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XIX và trong suốt thế kỷ XX, trở thành một ngành khoa học có nền tảng vững mạnh có thể giải quyết các câu hỏi lớn không chỉ về động cơ và quá trình vận hành của nền kinh tế mà còn về hành vi của từng cá nhân trong cuộc sống thường ngày. Những nền tảng mà Levitt dựa vào để giải đáp các thắc mắc của mình là dữ liệu thực tế, luật “nhân quả” trong kinh tế lượng và chứng cứ thực tế.
Kinh tế học hài hước (Freakonomics) ra đời từ những câu hỏi kỳ quặc và những câu trả lời bất ngờ, nhưng đầy thú vị và cực kỳ thuyết phục của Steven Levitt. Độc giả có thể rất ghét, hoặc rất thích cuốn sách này cũng chính vì cách đặt vấn đề và cách giải quyết vấn đề táo bạo nhưng vẫn tuân theo đúng chuẩn mực khoa học của Levitt. Kinh tế học hài hước chứng tỏ rằng bộ môn kinh tế học không hề khô khan chút nào, mà ngược lại rất đáng lưu ý. Thậm chí, sau khi đọc xong cuốn sách, bạn có thể sẽ quyết tâm nghiên cứu kinh tế học để có thể trả lời những thắc mắc của chính mình về thế giới xung quanh: Tại sao những tay chơi ở vũ trường New Century chỉ vì lời qua tiếng lại mà bắn nhau, để rồi kẻ chết kẻ đi tù? Tại sao các thị xã trung tâm (tỉnh lị) của các thành phố ven biển nước ta lại luôn cách nhau 150-200 km? Tại sao thị trường bất động sản ở Hà Nội lại phức tạp hơn ở thành phố Hồ Chí Minh? Cơ chế vận hành của hệ thống ghi số đề hay cá độ bóng đá phi pháp như thế nào?
Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là ấn phẩm tái bản mà Alpha Books đã tiến hành sửa chữa, cập nhật từ những bài báo, lời nhận xét về Kinh tế học hài hước của các tạp chí uy tín như Harvard Business Review, Washington Post, The New York Times; và các học giả như Malcom Gladwell, Kurt Andersen. Ngoài ra, nó còn bổ sung thêm phần hỏi đáp và trao đổi với các tác giả rất hài hước.
Tôi trân trọng giới thiệu đến các bạn Kinh tế học hài hước và hy vọng cuốn sách này sẽ không chỉ truyền cảm hứng cho bạn tìm hiểu về kinh tế học và các phương pháp luận của nó, mà còn giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về phương thức vận hành của cuộc sống và xã hội muôn màu muôn vẻ.
Đôi nét về tác giả
Steven D. Levitt: Giáo sư kinh tế học thuộc Đại học Chicago, chủ nhân của Huân chương John Bates Clark dành cho những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trong 40 năm qua.
Stephen J. Dubner: Phóng viên cừ khôi và là biên tập chính của tạp chí New York Times, tác giả của các cuốn Turbulent Souls (Choosing my religion) (Tạm dịch: Những tâm hồn hỗn loạn {lựa chọn tôn giáo của tôi}); Confession of a Hero-Worshiper (Tạm dịch: Lời thú tội của một anh hùng mê tín), The Boy with Two Belly Buttons (Tạm dịch: Cậu bé với hai lỗ rốn).