Mô tả
Giới thiệu Bức Tranh Dorian Gray
Không chỉ là một kiệt tác văn chương gây nhiều tranh cãi khi mới xuất bản, “Bức tranh Dorian Gray” còn là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde.
Lấy bối cảnh diễn ra vào thời Victoria ở nước Anh, Dorian Gray có vẻ ngoài cuốn hút, đã truyền cảm hứng cho Basil vẽ chân dung của anh. Đó là một bức chân dung kì lạ, nó thay Dorian Gray già đi, thậm chí khi Dorian Gray trở nên tệ bạc, xấu xa, bức tranh cũng trở nên tệ hại theo.
Cứ thế Dorian Gray giữ được vẻ ngoài suốt gần hai mươi năm, nhưng liệu giữ được vẻ ngoài hào hoa bất biến theo thời gian có thật sự là may mắn? Trút hết sự suy đồi của mình vào một bức tranh liệu có làm cho Dorian Gray hạnh phúc, hay đó lại chính là khởi đầu cho những bất hạnh ngấm ngầm bao phủ cuộc đời anh ta?

Lời tựa nổi tiếng của Oscar Wilde
Nghệ sỹ là người tạo ra cái đẹp.
Biểu lộ nghệ thuật và che giấu nghệ sỹ là mục đích của nghệ thuật.
Nhà phê bình là người có thể tái hiện qua phong cách khác hoặc chất liệu khác các ấn tượng của mình về cái đẹp.
Hình thái phê bình cao nhất cũng như thấp nhất là một dạng tự truyện.
Những ai thấy nghĩa xấu trong cái đẹp là đã đồi bại song không nhờ thế mà khả ái hơn. Đó là tội trọng.
Nhưng ai thấy nghĩa đẹp trong cái đẹp thì đã biết tu dưỡng. Với những kẻ này thì vẫn còn hy vọng.
Họ là những kẻ được chọn lựa, những kẻ thấy cái đẹp chỉ đơn giản là đẹp mà thôi.
Không có những thứ như sách đạo đức và sách vô đạo đức.
Sách được viết hay, hoặc viết dở. Chỉ vậy thôi.
Sự căm ghét của thế kỷ mười chín với chủ nghĩa hiện thực là cơn thịnh nộ của Caliban khi thấy mặt mình trong gương.
Sự căm ghét của thế kỷ mười chín với chủ nghĩa lãng mạn là cơn thịnh nộ của Caliban khi không thấy mặt mình trong gương.
Cuộc đời đạo đức của con người tạo thành một phần chủ đề của nghệ sỹ, nhưng đạo đức nghệ thuật cốt ở sự sử dụng thành thạo một công cụ không hoàn hảo.
Không nghệ sỹ nào muốn làm sáng tỏ điều gì. Ngay cả những điều đúng đắn cũng có thể bị làm sáng tỏ.
Không nghệ sỹ nào có sự đồng cảm với luân thường đạo lý. Sự đồng cảm với luân thường đạo lý ở nghệ sỹ là một phong cách riêng tư không thể dung thứ.
Không nghệ sỹ nào từng bệnh hoạn. Nghệ sỹ có thể diễn tả mọi điều.
Tư tưởng và ngôn ngữ là các công cụ nghệ thuật của nghệ sỹ.
Sự đồi bại và đức hạnh là các chất liệu của nghệ sỹ cho nghệ thuật.
Từ quan điểm hình thái học, mẫu mực mọi nghệ thuật là nghệ thuật của nhạc sỹ. Từ quan điểm cảm xúc, ngón nghề của nghệ sỹ là mẫu mực.
Mọi nghệ thuật đồng thời là bề mặt và biểu tượng.
Những ai đi xuống dưới bề mặt đều làm liều.
Những ai đọc biểu tượng đều làm liều. Chính khán giả, chứ không phải cuộc sống, mới là cái mà nghệ thuật thật sự phản chiếu.
Sự đa dạng quan điểm về một tác phẩm nghệ thuật cho thấy rằng tác phẩm ấy là mới mẻ, phức tạp và sinh động.
Khi các nhà phê bình bất đồng, nghệ sỹ thống nhất với chính mình.
Ta có thể tha thứ cho kẻ tạo ra một thứ hữu ích chừng nào y còn chưa mê nó. Lý do duy nhất để bào chữa cho việc tạo ra một thứ vô ích là người ta mê nó đến cùng cực.
Mọi nghệ thuật đều tuyệt đối vô ích.
Lời người dịch
Trong lịch sử văn chương nhân loại có những cuốn sách được viết ra quá sớm so với thời đại của chúng, nên dường như vì thế mà chúng phải chịu trắc trở ngay từ những ngày mới chào đời. Ví dụ điển hình là Lolita của Vladimir Nabokov: Bị cấm ở nhiều nơi, không thể in ở Mỹ, nơi nó được sáng tác xong vào năm 1953, và phải xuất bản lần đầu ở Pháp vào năm 1955. Tuy nhiên, như đã biết, sau đó Lolita nhanh chóng trở thành một tác phẩm bán chạy hàng đầu của văn chương tiếng Anh, luôn được xếp hạng đầu trong các cuộc bình chọn, và đưa tác giả của nó trở thành một trong các nhà văn vĩ đại nhất nhân loại.
Trước đó hơn nửa thế kỷ, vào năm 1891, cũng từng có một kiệt tác văn chương chịu số phận gập ghềnh không kém, là Bức tranh Dorian Gray (The picture of Dorian Gray) của Oscar Wilde, nhà văn vĩ đại người Ai Len. Sau khi xuất hiện lần đầu vào tháng Bảy năm 1890 trên tạp chí Lippincott’s Monthly Magazine, mặc dù đã bị kiểm duyệt và bỏ đi khoảng năm trăm từ, nhưng cuốn sách này vẫn chịu phản ứng dữ dội từ giới phê bình văn chương Anh quốc, do đụng đến các vấn đề chưa được xã hội chấp nhận vào thời điểm ấy.
– Thiên Lương –