Availability: In Stock

Gia Đình Má Bảy

Tác giả: Phan Tứ

Tiểu thuyết “Gia Đình Má Bảy” của nhà văn Phan Tứ.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Sách nói – Audio book:

Nghe trực tiếp →

Mô tả

Sơ lược tác phẩm Gia Đình Má Bảy

Trong Gia Đình Má Bảy, cốt chuyện rộng rãi, tác giả đặt những vấn đề lớn, ví dụ như vấn đề công bằng xã hội trong lịch sử dân tộc: “Bởi sống nửa đời trong bung lầy như bị vùi đến nửa thân, má hiểu lắm cái phận tá điền sinh ra để cày ruộng người, kiếp trước truyền cho kiếp sau chỉ một túp lều rách. Người xưa đã dẹp hết các thứ giặc từ ngoài đến mà không trị nổi bọn giặc trong làng. Con trâu đủ sức giết cọp mà không tự tháo gỡ được con đỉa hút máu ở cổ, đành chịu vậy đến khi ngã quỵ”

Những trang cảm động nhất của Gia Đình Má Bảy có thể là những trang đẹp nhất trong văn nghệ Miền Nam, là những trang mô tả những hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Miền Nam trong hai cuộc kháng chiến.

Trích đoạn

Chương 1

1

Trời trắng đục nhả mưa không ngớt. Làn nước tuôn xuống bị gió bấc cuốn tròn lại thành những chiếc chiếu bạc dựng đứng, vặn lưng nghiêng ngả, nối nhau lướt qua xóm.

Mỗi lần một cột mưa như thế giẫm ngàn chân ràn rạt trên mái nhà bếp, má Bảy lại ngửng đầu xem nó đi đâu. Nó múa tròn trên cái sân nhão ngập một lớp nước rỗ hoa, hất nhào lộn những tàu lá chuối rách, túm lấy tấm bảng khẩu hiệu bằng tôn đã long đinh mà đập thình thình vào cái cổng chào gỗ. Nó quét đuôi qua rặng tre cuối vườn, chạy hun hút về phía dãy đồi hoang ven sông Nhỡn. Hình như mưa gió cố ý tuôn về phía ấy.

Má Bảy thở nhẹ một cái, bồn chồn và thoáng mừng. Rồi má cúi xuống cạy nốt những hạt dầu lai đã đập nứt vỏ. Dưới mũi dao xoi, lớp nhân màu ngà rã vụn, rơi xuống đĩa. Một cột mưa khác kéo qua, má lại nhìn, và những cảm giác đã mòn lại đến rồi đi.

Một bóng người mang tơi đội nón tùm hụp bước vào ngõ, đầu chúi tới trước như húc mưa, hai tay túm giữ chùm dây treo của đôi bầu (1)lủng lẳng đầu đòn gánh. Chị Đa hàng xóm đi tỉnh về. Chồng chị bị gọi đi tái đăng quân dịch, mới gửi cho chị cái ngân phiếu ba trăm bạc cách đây mươi hôm.

—–

(1) Một loại bồ nhỏ quang dầu.

Chị bước lên thềm, lật nón. Mặt chị hàng ngày vàng bủng bây giờ xám lại. Mấy ngón tay tê lóng ngóng mãi mới cởi được sợi dây buộc tơi lá ở cổ. Má Bảy chậm chạp cầm ống thổi lửa, thổi đống trấu rấm cho lửa bén chập chờn trên mặt trấu, đẩy mấy khúc củi tàn vào bếp. Trong cử chỉ của má có cái vẻ gì vừa ân cần vừa dè dặt. Chị Đa cúi mặt xuống gần lửa, còn hơ nóng hai bàn tay rồi xát chung quanh miệng. Hồi lâu chị mới bật ra nói, hổn hển vì nín thở:

– Chết… ông trời làm tội…

Má Bảy đặt ngửa cái vung đất trên ba ông táo, bỏ nắm dầu lai vụn vào rang quèn quẹt. Người ta bảo ăn muối dầu lai nhiều thì mất máu, rụng răng rụng tóc. Rụng cũng phải ăn. Trong nhà má lâu nay vắng thịt cá, đến chút dầu chút mắm cũng hết sạch. Ban tố cộng cấm các gia đình loại A và B không được ra khỏi thôn trong chiến dịch “toàn dân sát cộng”. Chị Đa thuộc loại C “thiện chí quốc gia” được đi chợ, nhưng má cũng không có đồng nào gửi chị mua mắm về ăn.

Chị Đa bớt cóng. Chị nói hồ hởi:

– Qua miếu âm hồn, tôi mệt quá muốn nằm lăn ra gốc đa, sau khấn âm hồn mấy câu mới khỏe lại, về tới nơi đó bác. Cái miếu rách mà linh hết sức!

Má Bảy khẽ nhếch miệng, nửa đùa nửa thật:

– Thờ Chúa sao lại khấn ma?

Chị cười xòa:

– Ối, sẵn đâu xâu đó. Vô nhà thờ cầu Chúa, qua chùa khấn Phật, tới miếu vái âm hồn, trúng cửa nào tôi nhờ cửa nấy… Con tôi khóc hung không bác?

– Khóc chán rồi ngủ lăn ra kia nè.

Chị Đa đến cạnh chõng. Hai đứa con chị ôm nhau ngủ. Con mắt người mẹ nhận ngay ra cái chăn xếp đôi đắp trên mình con được tém góc thật gọn, mẻ than hồng đặt dưới chõng còn bốc hơi ấm, cặp áo quần con Thừa giặt sạch hong khô xếp trên đầu giường. Chị vuốt tóc con, nghẹn ngào. Chị biết ơn.

Sách nói

[Audio book] Gia Đình Má Bảy

Sách nói “Gia Đình Má Bảy” của tác giả Phan Tứ:

Về tác giả

Về tác giả Phan Tứ

Phan Tứ

Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, sinh ngày 20 tháng 12 năm 1930 tại thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là người con thứ tư và cũng là người con trai duy nhất trong gia đình có bảy người con. Thân sinh ông là ông Lê Ấm (1897-1976), từng làm Đốc học ở trường Quốc học Huế từ 1924, Trường Quốc học Quy Nhơn (1928-1945), hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề Hội An (1966-1975). Mẹ của ông là bà Phan Thị Châu Liên (1901-1996), tục gọi là cô Đậu, vốn là con gái đầu của nhà Chí sĩ Phan Châu Trinh. Em gái họ của ông là bà Nguyễn Thị Châu Sa (sau này là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình). Ông cũng là cháu ngoại của nhà cách mạng Phan Châu Trinh

Tuy sinh ở Bình Định nhưng suốt thời niên thiếu, Phan Tứ lại sống ở quê cha ở Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Vốn sinh trong gia đình có truyền thống học giỏi, ông từ nhỏ đã khá giỏi về môn văn và tiếng Pháp. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia hoạt động trong đội tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam và tham gia cướp chính quyền ở địa phương trong Cách mạng tháng Tám.

Năm 1950, ông nhập ngũ, theo học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, phân hiệu Trung Bộ (Cồn Kênh, Thọ Xuân, Nông Cống, Như Xuân, Thanh Hóa). Cuối năm 1951, sau khi tốt nghiệp, ông được phân công theo đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1958, ông theo học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng năm này, ông đã viết cuốn “Bên kia biên giới” với bút danh Lê Khâm, viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào. Năm 1960, ông lại giới thiệu cuốn “Trước giờ nổ súng” với cùng đề tài trên. Cả hai quyển sách được đánh giá cao, và ông trở thành một nhà văn tên tuổi thời bấy giờ khi mới vừa tròn 30 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp năm 1961, ông được phân công trở lại công tác tại chiến trường Miền Nam, làm phái viên tuyên truyền khu ủy Liên khu V, ủy viên đảng đoàn Văn nghệ khu 5, và viết văn dưới bút danh Phan Tứ. Bút danh này trở nên nổi tiếng gắn liền với các tác phẩm của ông về sau này. Do sức khỏe yếu và chịu ảnh hưởng bởi tác động của chất độc hóa học, năm 1966 ông được rút ra Bắc để chữa bệnh, công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó giữ chức quyền Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng. Năm 1970, ông được kết nạp làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau năm 1975, ông về sinh sống và làm việc tại quê hương Quảng Nam. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Ủy viên Ban Thư ký (Ban thường vụ) Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa III.

Ông từng là Đại biểu Quốc hội khóa 8.

Ông qua đời đột ngột lúc 10 giờ 5 phút ngày 17 tháng 4 năm 1995 tại thành phố Đà Nẵng, khi còn dang dở bộ tiểu thuyết “Người cùng quê”.

Nguồn: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Nhà xuất bản

NXB Văn Học

Năm xuất bản

2017

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, MP3, PDF