Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Hong Tay Khói Lạnh
“Giống như mấy bộ phim hậu tận thế (cũng là giả tưởng buồn hiu): bề mặt trái đất không còn sự sống, không màu xanh, chỉ bụi xám chì phủ lớp đất bạc như muối hầm. Và nắng, thứ nắng lửa tận diệt mọi sinh vật nào đối đầu trực diện với nó, bằng sức nóng hủy diệt.”
Một thế giới mới đồng dạng cả tin, đầy những thứ giả tạo đẹp đẽ, nơi người ta đánh mất dần cá tính, sự hoài nghi, rung cảm, mất luôn cả bóng mình. Những con người không bóng, thì cô độc nào hơn?
Độc lập nhưng lại kết nối với nhau bởi nơi chốn giả lập và chủ điểm về nỗi cô độc trong tinh thần, các câu chuyện trong “Hong tay khói lạnh”, một lần nữa, lại cho thấy tài năng, sức tưởng tượng, sự nhạy cảm và đồng cảm hiếm có của Nguyễn Ngọc Tư trước tâm trạng chung của con người giữa những biến động lớn của đời sống.
Báo chí giới thiệu
Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tản văn “Hong tay khói lạnh“, viết về tâm tư, thân phận con người trong bối cảnh giả tưởng hậu tận thế.
Sách gồm 176 trang, chia làm hai phần. Phần một mang tên Giả tưởng sau tận thế, gồm bảy bài viết, phần hai – Hong tay khói lạnh – gồm 21 bài. Nhà văn cho biết tác phẩm xoay quanh tâm tư con người trước những biến động lớn về đời sống. Các truyện có nội dung độc lập nhưng gặp nhau ở nỗi cô độc của chủ thể.
Trong tản văn Đồ chơi của thời tiết, tác giả viết về cách tâm trạng con người bị ảnh hưởng bởi nắng, mưa: “Không phải lần đầu bạn nghĩ mình là món đồ chơi của thời tiết. Những xế trưa thức giấc, nằm nán trên giường, nhìn nắng vàng bên kia cửa sổ, tin mình sẽ chết vào buổi nắng kiểu này, một ngày nào đó. Thời điểm của cái chết sáng rõ thêm một chút, bớt bí ẩn đi một chút. Chỉ nỗi hoang vu thì khó hiểu, sao nó lại ở đó, sao nó lại đầy lên bởi nắng xế ngoài kia, sao càng chống trả nó càng dày?”.
Cảnh đường phố ngập trong triều cường, mưa áp thấp cũng trở thành cảm hứng văn chương với Nguyễn Ngọc Tư. Tác giả viết: “Những ngã ba, ngã tư đường trở thành sân khấu rối nước. Không thủy đình, nhưng chỉ cần nước đầy là đủ cho một cuộc chơi. Người xe băng qua sân khấu ấy biểu cảm và động tác thẳng căng, khớp nối chừng như còn cứng. Chừng như ai đó đang điều khiển những chao lắc, lảo đảo, những cú té ngã bồng bềnh bằng những sợi dây vô hình. Cảm giác kẻ đang giật dây là trẻ con tập chơi, không phải là nghệ nhân thực thụ. Tụi nhỏ nọ đang nén cười ở đâu đó. Bất giác bạn nhìn quanh, rồi ngước mặt ngó trời”.
Nguồn: VnExpress