Availability: In Stock

Cổng Tỉnh

Tác giả: Trần Dần

Tác phẩm “Cổng Tỉnh” của tác giả Trần Dần.

Download:

PDF

Mô tả

Giới thiệu tác phẩm Cổng Tỉnh

Dạ khúc trường thiên Cổng tỉnh là một tập tiểu thuyết thơ, viết trong khoảng 59-60, cùng thời với ba tập thơ khác: Sắc lệnh, Con tầu xã hội và 17 tình ca. Cả ba đều chưa xuất bản. 59-60 cũng là năm Hoàng Cầm sáng tác Về Kinh Bắc.

Cổng tỉnh được nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1994, 15 năm sau khi viết xong.

Thời điểm 58-60 là những năm kinh hoàng, sau Nhân Văn. Không khí đen tối dội lại trong Về Kinh Bắc và Cổng tỉnh.

Cả Trần Dần lẫn Hoàng Cầm đều lấy đêm làm phông cho hai khúc ca bi tráng của mình.

Về Kinh Bắc bắt đầu bằng 5 đêm: đêm Thổ, đêm Kim, đêm Mộc, đêm Thủy và đêm Hỏa. Hoàng Cầm về Kinh Bắc, về quê cha đất tổ, lậy mẹ, mách mẹ những kinh hoàng đàn áp:

Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc

Con không cười, con thoảng nhớ thoảng quên.

Không chỗ dung thân, Trần Dần về Nam Ðịnh, về “phố mẹ”, nhờ ký ức mở cửa cổng tỉnh, mở gan ruột mình, trở về “tảo mộ xó quê” trong nhà tù tỉnh, bằng những lời thơ mà ông gọi là dạ khúc. Dạ khúc về những đêm giữa ban ngày trong ông và trong lòng tỉnh.

Cổng tỉnh, như lời ghi dưới tựa, là tập thơ tiểu thuyết và là dạ khúc trường thiên.

Hai chữ dạ khúc vừa nói lên tính chất tâm huyết gan ruột của bài ca, dạ như lòng dạ. Dạ cũng là đêm, bài ca về cõi đêm của tác giả và những phận người nằm trong cổng tỉnh.

Cổng tỉnh là một bản trường ca, một cuốn tiểu thuyết hiện thực xã hội, viết về một thời trong lịch sử cận đại: thời Pháp thuộc và Cách mạng kháng chiến. Với những phận người, phận vện, phận tỉnh, phận phố… khi vươn lên dũng tráng, bất khuất, như những anh hùng, khi lếch thếch kéo nhau đi như lũ ăn mày, sinh ra trong đói khát, dốt nát, bị trị, hết thực dân Pháp đến phát-xít Nhật. Cảnh quá khứ Pháp thuộc, phản ánh hồi quang hiện tại 59-60: Bị trị hay độc lập: thành phố vẫn bị cầm tù. Một chữ cổng đã nói lên kiếp tù trong tỉnh: Chỉ đề lao mới cần cổng, chứ tỉnh nào lại có cổng, như tỉnh Nam của Trần Dần thời 59-60.

Về tác giả

Về tác giả Trần Dần

Trần Dần

Trần Dần, tên thật là Trần Văn Dần (23 tháng 8 năm 1926 – 17 tháng 1 năm 1997), là một nhà thơ, nhà văn người Việt Nam.

Được đánh giá là người cách tân trong thơ cả về hình thức (với lối thơ bậc thang) lẫn tư tưởng (đa diện, triết lý…) và về thơ Trần Dần có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ngay sau Phong trào Thơ mới, Trần Dần đã chủ trương làm thơ theo trường phái tượng trưng cùng với nhóm Dạ đài. Theo nhà thơ Dương Tường: “Thơ Trần Dần đương nhiên là khó hiểu. Nhưng chính ông ấy cũng nói về sự khó hiểu một cách hết sức giản dị: “Tất cả mọi giá trị chân thiện mỹ đều là khó hiểu”.” Cũng theo nhà thơ Dương Tường, nếu đánh giá đúng về nghệ thuật của Trần Dần, có thể chúng ta phải viết lại sách giáo khoa văn học, và viết lại một chương trong lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1955-1956, đây có thể là mốc thứ hai (sau Thơ mới) trên tiến trình hiện đại hóa Thi ca Việt Nam. Mặc dù suốt 30 năm (từ 1960 tới 1990) thơ ông không được xuất bản nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác theo con đường nghệ thuật mà mình suốt đời theo đuổi.

Nguồn / Xem thêm: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Nhà xuất bản

NXB Hội Nhà Văn

Định dạng

PDF