Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Ngôi Nhà Có Ma
Trích đoạn
Loài chuột nhắt chẳng bao giờ ý thức được cái bẫy khi chúng lọt vào. Liệu có bao giờ chúng sa bẫy nếu chúng biết là người ta đã giăng sẵn một cái chờ chúng hay không? Và ngay cả khi chúng bị mắc bẫy rồi mà dường như chúng cũng không hiểu nổi chúng đang ở đâu và vẫn tiếp tục giãy giụa, điên cuồng, thò cái mõm nhỏ xíu đầy râu ria của chúng ra khỏi những cái then sắt, kêu chít chít chói tai trong một cố gắng tuyệt vọng hòng kiếm đường tẩu thoát.
Trái lại, khi con người bắt đầu tranh tụng, hắn hiểu rất rõ rằng hắn đang bước vào một cái bẫy sập. Nhưng trong khi con chuột tranh đấu thì con người lại bất động – dĩ nhiên chỉ thân thể bất động mà thôi; bên trong – nghĩa là tinh thần – hắn hành xử giống hệt con chuột nhắt, nếu không tệ hơn thế.
Quả thực đó là điều đang xảy ra với cái đám thân chủ kia, người đầm đìa mồ hôi và bị ăn tươi nuốt sống bởi bầy ruồi nhặng và nỗi buồn chán, đang ngồi vào buổi sáng oi nồng ấy trong phòng đợi của luật sư Zummo, chờ đến phiên mình tham vấn ông ta.
Không người nào rời khỏi ghế ngồi, nhưng những cái nhìn đầy hờn căm sôi sục họ trao đổi với nhau khiến người ta không còn hồ nghi gì về tâm tư họ. Người nào cũng muốn độc quyền giành luật sư cho riêng mình, và người nào cũng cảm thấy rằng, với bao nhiêu là thân chủ thế kia để phải thẩm vấn thì thời giờ dành cho tất cả bọn họ có được bao năm. Vả lại, với cái đám đông lúc nhúc kia phải đương đầu, với cái nóng khiếp đảm 90 độ F trong bóng rợp này, với biết bao nhiêu điểm dị biệt phải tranh luận, liệu tâm trí luật sư có còn sáng suốt như vụ kiện đòi hỏi chăng?
Mỗi lần viên thư ký đang ngồi ở bàn ghi ghi chép chép với một tốc độ điên khùng, liếc nhìn cái đồng hồ lớn trên tường, thì vài ba thân chủ lại buồn bã thở dài, trong khi những người khác, mệt lả vì hơi nóng và sự chờ đợi đằng đẵng, vẫn cứ dán mắt vào những kệ sách bụi bặm chồng chất giấy tờ pháp lý – tai họa và sự tán gia bại sản của biết bao nhiêu gia đình bất hạnh. Những người khác nữa, cố gắng tỏ ra lãnh đạm thờ ơ hờ hững thản nhiên, nhòm qua những tấm màn che cửa sổ màu xanh ngoài đường phố nơi người ta đi lại vui vẻ và vô tư lự trong khi đó thì họ lại… Phì! – và với một cử chỉ giận dữ họ điên tiết gạt phăng những con ruồi mà hơi nóng và mồ hôi dầm dề đã làm cho chúng trở nên man dại và hăng máu hơn bao giờ.
Nhưng lộn xộn hơn cả bầy ruồi là đám con trai nhỏ của luật sư, một thằng nhóc lên mười, chân đi đất, đầu bù tóc rối, hiển nhiên vừa từ căn nhà kế cận chạy qua để làm vui cho thân chủ của papa.
“Tên em là gì?” “Cái hộp nhỏ đeo ở cổ đó là cái gì vậy?” “Làm sao mở nó?” “Ở trong đó có gì vậy?” “Một lọn tóc à?” “Tóc của ai thế?” “Tại sao em lại giữ nó?”
Thế rồi, vừa nghe thấy tiếng papa đang tiến lại gần cửa để tiễn một người khách quan trọng nào đó, thằng bé vội chui tọt xuống gầm bàn, trốn sau chân người thư ký.
Mọi người trong phòng đợi đều tất bật đứng dậy, mỗi thân chủ đều khẩn khoản nhìn luật sư, ông này vừa giơ cả hai tay lên vừa nói:
– Kiên nhẫn, các bạn, từng người một.
Người may mắn thì khúm núm đi theo, khép cửa phòng lại trong khi những người khác lại ngồi xuống trong sự chờ đợi cáu kỉnh và ngột ngạt.
Riêng có ba thân chủ, có vẻ là chồng, vợ và con gái, lại không tỏ một dấu hiệu nóng ruột nào cả. Người chồng – một người trạc độ sáu mươi – có một vẻ mặt u buồn, gần như tang tóc. Ông ta khăng khăng không chịu bỏ cái mũ rộng vành nhăn nhúm, màu xanh lợt mà chắc ông ta coi như một thứ phụ tùng thích hợp nhất cho cái áo choàng nặng nề, cổ lỗ nồng mùi băng phiến. Rõ ràng là cái áo đó đã được kính cẩn chọn lựa cho dịp trọng đại này, một cuộc hội kiến chính thức với một luật sư.
Ấy thế mà ông ta không vã mồ hôi.
…