Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Đất Lành
Ra đời năm 1931, Đất lành mang đến cho độc giả một cái nhìn đầy tính hiện thực về những con người sống trong những vòng luẩn quẩn của xã hội Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XX, mà Vương Lung là một đại diện điển hình.
Cũng giống như tác phẩm Gió Đông, Gió Tây trước đó của bà, Pearl S. Buck một lần nữa đã thổi vào Đất lành sự hòa hợp Đông – Tây – vốn là một trong những thế mạnh của mình được đúc kết từ những năm tháng sống tại Mỹ và Trung Quốc – để từ đó khắc họa lên cuộc đời của Vương Lung từ kiếp nô lệ cho đến khi trở thành một điền chủ giàu có trong cái không gian đa diện mang đậm tính sử thi của một xã hội Trung Quốc trong những biến động dữ dội đầu thế kỉ XX.
Không những tạo nên tên tuổi cho Pearl S. Buck trên khắp thế giới, Đất lành còn mang về cho bà giải Pulitzer danh giá vào năm 1931.
***
Cuốn tiểu thuyết “Đất Lành” (The Good Earth) mô tả đười sống của một nông dân tên là Vương Long (Wang Lung) khởi đầu từ cảnh nghèo khó bước lên địa vị của một chủ đất giàu sang. Anh nông dân này được người vợ giúp đỡ và gia đình này đã tận tụy hy sinh vì bổn phận, vì sự sống còn và vì mảnh đất. Tác giả Pearl Buck đã mô tả cuộc hôn nhân, tình cha mẹ, các tình cảm phức tạp trong gia đình và sự yêu quý mảnh đất và cuộc sống.
Để hiểu rõ tác phẩm “Đất Lành”, cần biết thêm sơ lược về lịch sử của nước Trung Hoa vào cuối thế kỷ 19. Trung Hoa là một trong các quốc gia rộng lớn nhất trên Thế Giới và vì vậy, dân tộc này không thuần nhất về ngôn ngữ. Mặc dù dùng một thứ chữ viết, người Trung Hoa có hàng trăm thổ ngữ (dialects) và người dân thuộc miền Nam Trung Hoa không thể hiểu được tiếng nói của người dân Miền Bắc. Trong cuốn truyện “Đất Lành”, nhân vật Vương Long đã ghi nhận rằng “An Huy (Anhwei) không phải là Giang Tô (Kiangsu). Tại An Huy nơi mà Vương Long chào đời, giọng nói thì chậm và trầm trong cuống họng nhưng tại thành phố Giang Tô, người dân nói bằng các âm tiết phát ra từ môi và đầu lưỡi”.
Xã hội Trung Hoa cũng phức tạp như nền chính trị và khi Nhà Thanh bị lật đổ, các tỉnh thành của nước Trung Hoa nằm trong tay nhiều quân phiệt, nhiều nhóm đạo tặc chẳng hạn như Tướng Ngô Bội Phu (Wu Pei-fu) đã kiểm soát 5 tỉnh Miền Bắc và Miền Trung với hàng trăm triệu dân dưới quyền. Tại Mãn Châu, Trương Tác Lâm (Chang Tso-ling) cai quản vùng đất rộng bằng diện tích của hai nước Pháp và Tây Ban Nha cộng lại.
Sau khi Lãnh Tụ Tôn Dật Tiên qua đời, Tướng Tưởng Giới Thạch đặt bản doanh tại Nam Kinh, đã phát động chiến dịch chống lại các sứ quân, đánh phá các người Cộng Sản do Mao Trạch Đông chỉ huy và chống cự quân đội Nhật Bản. Nước Trung Hoa bị tàn phá vì nội chiến, và các rối loạn trải dài từ Quảng Đông tới Bắc Kinh. Trong hoàn cảnh chính trị bất ổn này, các người nông dân như Vương Long là những kẻ làm mướn, bị bóc lột do các địa chủ có hàng ngàn mẫu đất, họ còn bị bọn cướp quấy phá, bị lường gạt bởi các con buôn lúa gạo do bởi họ không biết đọc, không biết viết, họ bị thiếu ăn, bị khinh bỉ vì ngu dốt và hèn kém.
Khi viết ra tác phẩm “Đất Lành”, Nữ Văn Hào Pearl Buck không chỉ nói về người nông dân Trung Hoa mà còn ám chỉ các nông dân sinh sống tại bất cứ nơi nào trên trái đất bởi vì tài sản và sự an toàn của họ tùy thuộc vào mảnh đất mà họ cày cấy. Qua tác phẩm, độc giả nhận ra sự hiểu biết tường tận của tác giả về nước Trung Hoa và người Trung Hoa, tác giả biết cả tư tưởng và nội tâm của người nông dân, đây là giai cấp mà các người Cộng Sản đã khai thác và dùng làm hạt nhân trong công cuộc cách mạng.