Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Hương Rừng Cà Mau
Hương rừng Cà Mau là tên tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Nam, được xuất bản lần đầu vào năm 1962. Nội dung lấy bối cảnh từ cuộc sống của người dân vùng U Minh vào khoảng 1930–1940.
Quê nội nhà văn Sơn Nam gốc ở cù lao Ông Chưởng thuộc tỉnh An Giang. Từ đời ông nội ông chạy trốn quân Pháp qua Rạch Giá xuống U Minh lập nghiệp. Nơi nhà văn Sơn Nam gắn bó là làng nhỏ Đông Thái ở rừng U Minh, nay thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Nhà văn Sơn Nam có người bác ruột thứ hai giữ búi tóc, mù chữ, nhưng biết xem bói tướng, có duyên kể chuyện khẩn hoang, hay giao du với người Khmer, nói rành tiếng Khmer, kể chuyện cổ tích Khmer và thích lên đồng bóng mời thổ thần người Khmer nhập vào. Nhờ những câu chuyện từ ông bác Hai và người dân rừng U Minh mà sau này Sơn Nam đã viết nên công trình Lịch sử khẩn hoang miền Nam và tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau.
Những năm 1958–1959, Sơn Nam bắt đầu viết những truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau và công bố trên tập san văn nghệ Nhân Loại tại Sài Gòn. Nội dung những câu truyện khắc họa sinh động và chân thực hình ảnh những người lưu dân ở vùng U Minh vào những năm 1930–1940. Đó là những thiếu nữ vùng quê miệt vườn, thằng bé len trâu, tay giết người hảo hớn, kẻ săn bắt heo rừng, thầy bắt rắn, thầy tu chùa Khmer hay kẻ “đâm hà bá, phá sơn lâm”.
Khi các truyện được gộp lại xuất bản thành sách vào năm 1962, nhà văn Sơn Nam gửi một cuốn về quê Cà Mau tặng bác Hai, năm ấy đã 90 tuổi. Sau khi được một người cháu đọc sách của Sơn Nam cho nghe, bác Hai liền nhận xét tóm tắt để đứa cháu viết thư gửi lên Sài Gòn: “Thằng này nói dóc, nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ”.