Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Vụ Án Mạng Thứ Sáu
Thám tử Kỳ Phát là bộ truyện đã làm nên danh tiếng của “Vua trinh thám Việt” – nhà văn Phạm Cao Củng. Giống như Sherlock Holmes, Kỳ Phát luôn đề cao lí trí, lấy suy luận làm phương cách phá án.
Vụ án mạng thứ sáu là tác phẩm tiếp theo trong Series truyện Thám tử Kỳ Phát, đánh dấu sự trở lại của Kỳ Phát sau một thời gian ở ẩn. Đón chờ chàng thám tử tài ba của chúng ta là một vụ án khá hóc búa.
Hai cụ già, có thân phận và hoàn cảnh không liên quan gì đến nhau nhưng lại lần lượt bỏ mạng bởi một sợi dây thừng siết chặt quanh cổ. Thủ phạm sau khi ra tay đã để lại những lời cảnh báo đầy ngạo mạn, tự xem mình là “sứ giả” được Trời sai xuống để “hóa kiếp” cho các cụ già tới số.
Bí mật ẩn sau những vụ án mạng này là gì? Thân phận thật sự của kẻ giết người là ai? Liệu Kỳ Phát có thể tìm ra thủ phạm trước khi có thêm những nạn nhân mới.
Bộ sách Thám tử Kỳ Phát
Thám tử Kỳ Phát là nhân vật chính trong series truyện trinh thám của Phạm Cao Củng viết ra trong khoảng sáu năm, từ 1936-1942. Chuỗi truyện phá án của Kỳ Phát đã trở thành một trong những tác phẩm ăn khách thời bấy giờ. Không chỉ là một trong những người Việt đầu tiên viết truyện trinh thám, Phạm Cao Củng còn được mệnh danh là “Vua truyện trinh thám Việt”.
Khi Kỳ Phát “ngật ngưỡng” bước vào làng văn học, lần đầu tiên tại Việt Nam, có một “tượng đài” thám tử được xây dựng một cách rõ nét và chân thật đến như vậy. Kỳ Phát hiện lên với dáng dấp thư sinh, đôi lưỡng quyền cao, cặp mắt đăm đăm đen láy, bình thường rất ít khi mở miệng. Đó là một thám tử thông minh, logic, luôn đề cao lý trí, lấy suy luận làm phương pháp phá án… Các tập truyện dẫn dắt độc giả theo chân chàng thám tử Kỳ Phát khám phá những vụ án li kì, hấp dẫn, với những âm mưu thâm độc và những thủ đoạn khó lường.
Với việc xây dựng chân dung chàng thám tử Kỳ Phát, Phạm Cao Củng đã đưa văn học trinh thám Việt Nam bước đến thời kỳ đỉnh cao. Hình tượng nhân vật thám tử Kỳ Phát đã trở thành một trong những nhân vật thám tử Việt Nam tiêu biểu.