Mô tả
Sơ lược tác phẩm Ranh Giới Định Mệnh
Trong một vụ tai nạn ô tô kinh hoàng trên sườn núi trong cơn bão tuyết, Finn qua đời. Nhưng câu chuyện của Ranh giới định mệnh vẫn chưa dừng lại, mà tiếp tục với lời kể của cô khi mắc kẹt giữa hai thế giới, bất lực nhìn những người mình yêu thương đấu tranh để sinh tồn.
Những lựa chọn bất khả thi được đưa ra, những quyết định khiến người sống sót phải day dứt và tiếc nuối. Không thể rời đi, Finn chăm chú theo dõi từng người, nhìn cách họ chật vật níu kéo lại cuộc sống tan vỡ của mình. Finn cần phải bước tiếp, nhưng làm sao cô có thể yên tâm rời sang thế giới bên kia khi gia đình cô yêu thương đang vỡ vụn ra thành từng mảnh ngay trước mắt?
Ám ảnh nhưng mang đầy tính nhân văn, Ranh giới định mệnh là một câu chuyện về sức mạnh tình yêu , về ý nghĩa gia đình và về sự tiếp tục…ngay cả khi điều đó dường như là không thể.

Nhận định
CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ
Bạn đọc thân mến:
Câu chuyện được lấy cảm hứng từ một sự kiện xảy ra khi tôi lên tám. Vào thời điểm đó, tôi đang sống ở ngoại ô New York. Đó là mùa đông, ba tôi cùng người bạn thân nhất của ông, “Chú Bob,” quyết định dẫn anh trai tôi, tôi và hai cậu con trai của chú Bob đi bộ đường dài ở Adirondacks. Khi chúng tôi rời đi vào buổi sáng hôm đó, thời tiết trong lành và quang đãng, nhưng gần đỉnh núi, nhiệt độ đột ngột giảm xuống, bầu trời mở ra và chúng tôi phát hiện mình bị kẹt trong một cơn bão tuyết xối xả, lạnh cóng.
Ba tôi và chú Bob lo lắng rằng chúng tôi sẽ không thể nào đi xuống. Quần áo chúng tôi mặc không đủ để chống lại cái lạnh, và chúng tôi cách xa địa điểm cắm trại hàng giờ. Chú Bob dùng một tảng đá phá vỡ cửa sổ của một căn nhà gỗ săn thú bị bỏ hoang để giúp chúng tôi tránh bão.
Ba tôi tình nguyện chạy xuống kêu cứu, để lại Jeff – anh trai tôi và tôi đợi cùng chú Bob và hai cậu con trai của chú. Ký ức của tôi khi trải qua hàng giờ chờ đợi cứu hộ đến rất mơ hồ ngoại trừ phần ký ức các cơ quan nội tạng chịu lạnh: cơ thể tôi run lên không thể kiểm soát được và đầu óc không thể suy nghĩ được gì.
Bốn đứa trẻ chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế gỗ dài hết chiều dài của căn nhà gỗ nhỏ, còn chú Bob quỳ trên sàn trước mặt chúng tôi. Tôi nhớ mấy cậu con trai của chú ấy đã sợ hãi và khóc còn chú Bob nói rất nhiều, bảo chúng rằng mọi việc sẽ không sao và “Chú Jerry” sẽ sớm quay lại. Sau khi xoa dịu được nỗi sợ hãi của chúng, ông đi qua lại giữa những cậu con trai, tháo găng tay và giày của họ ra rồi lần lượt xoa tay và chân cho chúng.
Jeff và tôi ngồi bên cạnh họ, yên lặng. Tôi làm theo anh trai. Anh ấy không phàn nàn gì và tôi cũng không. Có lẽ đây là lý do tại sao chú Bob không bao giờ nghĩ đến việc xoa các ngón chân và ngón tay cho chúng tôi. Có lẽ ông không nhận ra, chúng tôi cũng đang chịu chung cảnh ngộ tương tự.
Đó là một cái nhìn vị tha, một quan điểm khi trở thành người lớn và có con cái, tôi mất khá nhiều thời gian để chấp nhận. Nếu tình huống được đảo ngược, ba tôi sẽ không bao giờ bỏ qua những đứa con trai của chú Bob. Ông có lẽ còn chăm sóc chúng nhiều hơn là chăm sóc con của mình vì ông biết chúng sẽ sợ hãi khi không có ba mẹ bên cạnh.
Gần chạng vạng, một chiếc xe jeep cứu hộ đến và chúng tôi được đưa xuống núi, nơi các nhân viên y tế đang chờ sẵn. Hai con trai chú Bob đều ổn – lạnh và mệt mỏi, đói khát nhưng không chút thương tích nào. Tôi được chẩn đoán bị tê cứng các ngón tay, nhưng không nặng lắm. Tay tôi rất đau khi được sưởi ấm lại, nhưng ngay sau khi hệ tuần hoàn được hồi phục thì tôi ổn. Jeff thì khác, anh ấy bị tê cóng cấp độ một. Người ta phải cắt găng tay của anh, lớp da bên dưới bị chà xát, trắng bệch và phồng rộp. Trông nó thật khủng khiếp và tôi nhớ mình đã nghĩ nó đau đớn đến mức nào, thương tích đó tệ hơn của tôi nhiều.
Không ai, kể cả ba mẹ tôi, từng hỏi Jeff hay tôi chuyện gì đã xảy ra trong căn nhà gỗ hay nghi ngờ tại sao chúng tôi bị thương còn các con của chú Bob thì không, và chú Bob cùng dì Karen tiếp tục là bạn thân nhất của ba mẹ tôi.
Mùa đông vừa qua, tôi đã đi trượt tuyết với hai đứa con của mình, và khi chúng tôi đi cáp treo lên đỉnh núi, ký ức ngày hôm đó quay lại. Tôi bị ám ảnh bởi sự vô tâm của chú Bob, một người mà tôi quen biết cả đời và người tôi tin là yêu thương chúng tôi, ông đã và cũng sẽ không bao giờ cảm thấy xấu hổ. Tôi nhớ ông ấy đã cười với cảnh sát trưởng, như thể toàn bộ việc này là một chuyến phiêu lưu mạo hiểm vĩ đại và may mắn không sao. Tôi nghĩ ông ấy thậm chí còn xem mình là một anh hùng, khoác lác về việc ông đã phá cửa sổ ra sao và về sự thông minh của ông khi dẫn chúng tôi vào căn nhà gỗ để trú ẩn. Khi về nhà, có lẽ chú ấy sẽ kể lại cho dì Karen nghe về việc chà xát tay chân cho con trai họ và về việc ông đã an ủi và không để chúng sợ hãi.
Tôi nhìn lại những đứa con bên cạnh mình, và một cơn rùng mình chạy dọc xương sống khi tôi nghĩ về tất cả thời gian mà tôi đã giao phó chúng cho người khác theo cách ba tôi đã giao chúng tôi cho chú Bob, tin vào sự giả định ngây thơ rằng có một sự thỏa thuận ngầm để các con tôi cũng được chăm sóc y chang nhau. Công viên giải trí, bãi biển, trung tâm thương mại, những kỳ nghỉ hè gần xa – mỗi lần đều giả định con mình sẽ được chăm sóc và rằng chúng luôn được chăm sóc thật tốt.
Cuốn sách này nói về một thảm kịch, nhưng câu chuyện thật sự diễn ra đằng sau đó, sau thảm họa, khi sự lựa chọn mà mỗi một người sống sót làm quay trở lại ám ảnh họ. Tôi luôn tin rằng hối tiếc là cảm xúc khó sống chung nhất, nhưng để cảm thấy hối tiếc, bạn cần phải có lương tâm. Một nghịch lý thú vị là những kẻ tệ nhất trong số chúng ta lại chịu hậu quả ít nhất về những sai trái họ đã làm.
Tôi chọn kể lại câu chuyện dưới góc độ của Finn để có góc nhìn trực tiếp cho phép có cái nhìn trung thực về nhân vật, ngay cả khi họ tin là họ đang ở một mình. Viết lại câu chuyện dưới cái nhìn của Finn hóa ra lại là một món quà. Mặc dù cô bé ấy không phải là tôi, theo nhiều cách tôi ước mình giống cô bé ấy. Hiếm khi bạn có thể đặt bút viết về một nhân vật có tâm hồn trong sáng như vậy. Finn giữ một vị trí đặc biệt trong tim tôi, và tôi hy vọng các bạn thích câu chuyện của cô bé ấy như tôi thích kể về nó.
Thân ái,
Suzanne