Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Nhân Hình Quán
Nhân Hình Quán là tác phẩm có màu sắc khác biệt nhất, cũng ngột ngạt nhất trong cả series Quán!
Sau khi cha mất, Soichi trở về nhà tổ, tiếp quản tài sản thừa kế đồ sộ, đồng thời tiếp quản cả những hình nhân cha để lại trong ngôi nhà này. Tất cả đều mất một phần thân thể, hoặc mặt hoặc tứ chi. Điều đó không khỏi khiến những người thích trinh thám, liên hệ đến vụ án phanh thây trong Tokyo hoàng đạo án. Nhưng đặc biệt hơn, các hình nhân này đã đặt theo những vị trí cố định, xoay mặt theo những hướng cố định. Dù khó chịu về sự có mặt của chúng, Soichi cũng không dám di dời hoặc thay đổi, bởi di ngôn của người cha quá cố chính là: Phải giữa nguyên các hình nhân.
Tuy không thể làm trái lời cha, nhưng không gì ngăn Soich khám phá bí mật ẩn sau các hình nhân đó.
Trong lúc Soichi miệt mài với trò chơi suy luận của mình thì các án mạng liên hoàn theo nhau xảy ra ngay bên ngoài, gần chỗ anh dạo chơi, chỗ anh uống cà phê, thậm chí sát cạnh nhà.
Cùng với sự hỗ trợ từ xa của người bạn giỏi suy luận là Shimada Kiyoshi, Soichi đã tìm ra mối liên hệ giữa Nhân Hình Quán với các “Quán” khác, cũng như phá giải được chân tướng của các án mạng gần và xa mình.
Một loạt sự thật của quá khứ lẫn hiện tại bắt đầu được phanh phui, bí mật về chính bản thân Soichi cũng theo đó hé lộ…
Bộ sách Series Quán
Hiện tại ở Việt Nam đã xuất bản được 6 tập của “Series Quán” bao gồm Thập Giác Quán, Thủy Xa Quán, Mê Lộ Quán, Nhân Hình Quán, Thời Kế Quán và Hắc Miêu Quán. Trong đó hay nhất chắc chắn là Thời Kế Quán, cùng với đó Thập Giác Quán và Nhân Hình Quán cũng gây ấn tượng mạnh. Còn lại Thủy Xa Quán, Mê Lộ Quán và Hắc Miêu Quán đọc thấy cũng bình thường, do khá dễ đoán.
Thập Giác Quán là tác phẩm đầu tay của Yukito Ayatsuji, dễ dàng nhận ra cuốn này bị ảnh hưởng mạnh từ tiểu thuyết Mười Người Da Đen Nhỏ – tác phẩm huyền thoại của “nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie. Tuy vậy, với thủ pháp sáng tạo ở cách che dấu nhân vật, che giấu thủ phạm, cuốn này sẽ khiến người đọc ồ lên bất ngờ với cái kết thoát ra khỏi suy nghĩ thông thường. Chính nhờ vậy Yukito Ayatsuji bắt đầu ghi dấu vào lòng người đọc ở thể loại cần sự đầu tư trí óc này.
Nhân Hình Quán lại đi theo một hướng kỳ lạ khác khi dẫn dắt người đọc theo một câu chuyện xen lẫn ảo mộng và thực tạo, vừa buồn vừa khổ, vừa đau thương vừa luyến tiếc. Để rồi vỡ òa ra “quá khứ tuổi thơ đen tối” đã khiến tâm tư và trí óc tự đánh lừa bản thân ra sao.
Nói về “quá khứ tuổi thơ”, ta gặp lại một lần nữa trong Thời Kế Quán. Một hành trình đầy kinh hoàng, nghẹt thở và cuốn hút. Một sáng tạo đầy bất ngờ mà dù ra đời cách đây mấy chục năm, đọc vẫn thấy đã, thấy choáng vì không ngờ tới, dù sợi dây cài cắm đã luôn được dùng từ đầu với cách “đếm thời gian” liên tục. Cuốn này dựa trên tư tưởng nắm bắt thời gian, cách cảm nhận thời gian, từ đó làm nút thắt cho câu chuyện. Một cuốn truyện trinh thám dài đến hơn 500 trang, nhưng lại đủ sức khiến người đọc hối hả lật đến trang cuối cùng.
Yukito Ayatsuji còn 3 cuốn nữa trong series Quán chưa được dịch sang tiếng Việt là Hắc Ám Quán (2004), Kinh Hoàng Quán (2006) và Kỳ Diện Quán (2012). Cùng với đó tác giả vẫn còn 1 tác phẩm về Quán đến giờ vẫn chưa viết xong, để đạt được mục tiêu kết thúc series Quán với 10 tác phẩm.