Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Nhân Chứng Buộc Tội
Một phiên tòa xét xử tội phạm giết người trở nên phức tạp khi vợ của bị cáo đứng ra làm chứng buộc tội người chồng …Giác quan thứ sáu của phụ nữ — và một khẩu súng lục nạp đạn — báo điềm chết chóc … Một người lái xe kẹt giữa đồng không mông quạnh tìm chỗ trú trong ngôi biệt thự hẻo lánh và được chào đón bằng một lời cảnh báo thảm khốc …Thám tử Hercule Poirot phải đối mặt với thách thức lớn nhất của mình với một vụ giết người kỳ lạ trong căn phòng bị khóa.
Từ câu chuyện tuyệt hay làm tựa đề cho cả tập truyện (truyền cảm hứng làm nên một bộ phim ly kỳ kinh điển) đến những viên ngọc quý hiếm nhất trong dòng tiểu thuyết trinh thám, mười một câu chuyện tội phạm rắc rối và suy luận tuyệt vời này cho thấy một Agatha Christie ở đỉnh cao xuất sắc nhất.
Trích đoạn
NHÂN CHỨNG BUỘC TỘI
Nhân chứng buộc tội được xuất bản lần đầu ở Mỹ với tựa Đôi tay của kẻ phản bội trên Flynn’s Weekly, ngày 31 tháng 1 năm 1925.
Ông Mayherne chỉnh cặp kính không gọng và khẽ đằng hắng một tiếng khô khốc như thường lệ. Rồi ông nhìn người đàn ông đối diện mình thêm lần nữa, anh ta bị khép tội cố ý giết người.
Ông Mayherne là một người đàn ông nhỏ thó, phong cách chỉn chu, gọn gàng, thích chưng điện khỏi phải nói, ông có cặp mắt nâu lanh lợi và ánh nhìn xuyên thấu. Đời nào mà ông dễ bị lừa. Đúng thế, là luật sư, tiếng tăm ông Mayherne nổi như cồn. Khi nói chuyện với thân chủ, giọng ông khô khan nhưng không đáng ghét.
“Tôi phải nhấn mạnh với anh rằng anh đang gặp nguy hiểm chết người, và sự thẳng thắn hết mức là điều cần thiết.”
Leonard Vole, nãy giờ đang sửng sốt nhìn vào bức tường trống trước mặt, chuyển ánh mắt sang vị luật sư.
“Tôi biết chứ,” anh đáp vẻ vô vọng. “Ông nhắc đi nhắc lại mãi mà. Nhưng tôi vẫn không tin được mình bị khép tội giếp người – giết người. Một tội ác dã man nữa chứ.”
Ông Mayherne là người thực tế chứ chẳng phải dễ xúc động gì. Ông lại ho, gỡ cặp kính không gọng ra, lau cẩn thận rồi đeo lại lên mũi. Đoạn, ông nói. “Vâng, vâng, vâng. Anh Vole thân mến ạ, giờ thì chúng ta phải quyết tâm nỗ lực để cứu anh ra – và chúng ta sẽ thành công – chúng ta sẽ thành công. Nhưng tôi phải thu thập được tất cả các dữ kiện. Tôi phải biết vụ này gây tổn hại cho anh đến mức nào. Sau đó chúng ta mới có thể chọn lời khai tốt nhất.”
Dù vậy chàng trai trẻ vẫn nhìn ông với vẻ sửng sốt và vô vọng như thế. Đối với ông Mayherne, vụ án này đã tối tăm lắm rồi và tội của nạn nhân cũng đã chắc chắn. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên ông cảm thấy hồ nghi.
“Ông cho là tôi có tội,” Leonard Vole nói hạ thấp giọng. “Nhưng, thề có Chúa, tôi không có làm! Có vẻ đen tối bất lợi cho tôi, tôi biết chứ. Tôi như người mắc lưới – cạm bẫy bủa vây tôi, vướng vào tôi dù tôi có quay sang ngả nào đi nữa. Nhưng tôi đâu có làm, ông Mayherne ơi, tôi đâu có làm chứ!”
Ai ở vào tình huống ấy chắc chắn cũng sẽ cam đoan mình vô tội. Ông Mayherne biết thế. Tuy nhiên, dù không muốn, ông thấy rất ấn tượng. Rốt cuộc, không chừng Leonard Vole vô tội.
“Anh nói đúng, anh Vole,” ông đáp vẻ trịnh trọng. “Vụ án có vẻ tối tăm bất lợi cho anh. Dù vậy, tôi chấp nhận lời cam đoan của anh. Giờ thì hãy đi vào các sự việc. Tôi muốn chính miệng anh kể chính xác cho tôi nghe anh quen biết bà Emily French như thế nào.”
“Một ngày nọ trên đường Oxford. Tôi thấy một cụ bà băng qua đường. Bà mang rất nhiều gói đồ. Đến giữa đường thì bà làm rơi chúng, đang cố gắng nhặt lên thì nhận ra một chiếc xe buýt sắp cán trúng mình, thế là bà cố gắng leo lên lề đường an toàn, bà vừa bàng hoàng vừa bối rối khi nghe người ta la mình. Tôi nhặt mấy gói đồ, cố gắng lau sạch bùn đất, cột lại dây một cái gói và đưa trả cho bà.”
…