Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Mảnh Vỡ
“Một cô bé nơi thị trấn vùng quê tự sát giữa biển bánh vòng.
Họ bảo em là thiếu nữ đẹp như người mẫu.
Nhưng tôi nghe nói em mập nhất trường…”
Tachibana, một bác sĩ tại một bệnh viện thẩm mỹ, được người bạn thân cũ hồi đi học của cô ấy – người đang muốn giảm cân – ghé thăm để xin tư vấn. Trong buổi tư vấn đó, họ tình cờ chia sẻ cho nhau câu chuyện về một người bạn khác của họ ở trường tiểu học, Yokoami. Cô ấy có một cô con gái bỏ học giữa chừng và đã tự kết liễu cuộc đời ngắn ngủi của mình trong căn phòng vương vãi những chiếc bánh rán vòng rắc đường thơm ngọt…
Tại sao cô bé đó lại có quyết định dại dột đến vậy?
Liệu cô bé có đang bị mẹ mình ngược đãi, bị ép ăn quá nhiều bánh vòng đến béo không nhận ra?
Hay điều ngược lại mới là sự thật, chính những chiếc bánh vòng lại là người bạn nâng đỡ những thương tổn và đưa cô bé đến chân trời hạnh phúc?
Những mảnh vỡ tưởng chừng như rời rạc được góp nhặt từ những câu chuyện quá khứ và hiện tại chồng chéo nhưng khớp nhau đến ngạc nhiên, đã vẽ lên bức tranh tổng thể về đời sống xã hội Nhật Bản, nơi chủ nghĩa ngoại hình được tôn vinh và con người quên đi những giá trị thực, lòng trắc ẩn cũng như hạnh phúc giản đơn. Suy cho cùng, vẻ đẹp ngoại hình không bất biến cả đời. Có những thứ sẽ dần hao tổn như làn da đàn hồi hay mái đầu óng ả, và cũng có những thứ sẽ thừa ra như bụng và eo, lưng và bắp tay, hết chỗ này đến chỗ nọ. Hãy cứ thoải mái với những gì mình có, đừng để người khác đặt ra tiêu chuẩn cho bản thân mình.
Độc giả review
Nếu chỉ muốn tìm hiểu về câu chuyện trọng tâm ở bìa bốn, bạn có thể tua nhanh tới hai chương cuối, mọi vấn đề sẽ được tỏ tường. Hai chương truyện vừa tóm lược cuộc đời của nhân vật chính, vừa lí giải rõ ràng việc Yuu – thiếu nữ được biết tới với thân hình quá khổ lại được tìm thấy trong thân hình như người mẫu, xung quanh vương vãi những chiếc bánh vòng hảo hạng. Số bánh vòng vừa bằng số cân nặng của cô…
Còn nếu muốn từng lớp, từng lớp bóc gỡ những góc khuất thẳm sâu qua lời kể của những nhân vật có liên quan, bạn cứ thong thả từng chương, đừng mất kiên nhẫn ở những chi tiết có vẻ như chẳng có liên quan tới cốt truyện.
Cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuốn sách là Sanochan – cựu hoa hậu Nhật Bản, cũng là bà chủ của thẩm mĩ viện danh tiếng, người lên tiếng ủng hộ việc mỗi người đều có quyền được làm đẹp, được tự tin bằng việc thay đổi hình dáng của mình. Cô là người dẫn chuyện, kết nối các mảnh ghép xuất phát từ những đoạn băng ghi âm từ thẩm mĩ viện dù chẳng trực tiếp lên tiếng một lời. Có những đoạn là khách hàng tìm đến cô, cũng có những đoạn cô chủ động gặp gỡ để tìm hiểu về ngọn nguồn sự việc. Mỗi cuộc gặp gỡ, ngoài cung cấp những thông tin liên quan đến “cô gái bánh vòng” đều ít nhiều phản ánh câu chuyện của người kể, với những nổi ám ảnh từ quá khứ: thức ăn, cân nặng, gia đình và hơn hết là nạn bắt nạt nơi học đường – ký ức ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết các nhân vật.
Trong Mảnh vỡ, các nhân vật đều vô cùng nhạy cảm. Những câu nói nhỏ nhặt mà người nói dường như đã quên ngay sau khi ngôn từ vừa kịp thoát khỏi miệng đều trở thành một dạng ám ảnh đối với người tiếp nhận và vô thức hình thành nên một số thói quen khi trưởng thành. Ví như Yokoami luôn nhắc đi nhắc lại về quyền của bản thân, chỉ vì câu nói “Yokoami không có quyền gọi như thế” khi cô muốn gọi Tachibana là “Sanochan” như các bạn hồi đi học. Mảnh vỡ không chỉ là nỗi đau về thể xác, đó là sự vụn vỡ của những trái tim cô độc – bị cô lập hoặc tự cô lập chính mình. Mảnh vỡ có lúc là kết quả của sự rạn nứt từ sâu thẳm những chới với chênh vênh để cuối cùng tự nhận ra những hố đen thẳm sâu với những toan tính của riêng mình. Mảnh vỡ cũng là sự rã rời của các nhân vật khi phát hiện ra những sự thật được phong ấn, những thứ nhìn đẹp đẽ lấp lánh lại xuất phát từ những sự thật đáng buồn, đáng giận.
Những vấn đề mà tác giả Minato Kanae trăn trở đã dễ dàng khiến tâm trạng tôi chùng xuống.
Nguồn: Hồng Khánh – Hội Yêu Sách