Availability: In Stock

Trước Giờ Nổ Súng

Tác giả: Phan Tứ

Tiểu thuyết “Trước Giờ Nổ Súng” của nhà văn Phan Tứ.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Mô tả

Sơ lược tác phẩm Trước Giờ Nổ Súng

Tiểu thuyết Trước Giờ Nổ Súng của Phan Tứ (Lê Khâm) ra đời năm 1960, từng gây chú ý một thời. Đã có nhiều bài viết tập trung khai thác tác phẩm ở khía cạnh nội dung tư tưởng. Tuy nhiên, nếu phân tích cuốn tiểu thuyết này từ góc độ Thi pháp học, ta sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị về bút pháp ngôn từ, nhất là trên phương diện không gian và thời gian nghệ thuật.

Tác phẩm được xây dựng theo kiểu cốt truyện phiêu lưu như sử thi Odyssee và Ramayana. Đặc điểm của kiểu cốt truyện này là có rất nhiều không gian. Tuy nhiên, nhiều tiểu thuyết có cốt truyện phiêu lưu nhưng vẫn không gây hứng thú cho bạn đọc. Lý do chính là các mảng không gian mà nhân vật trải qua là quá êm đẹp, không có kịch tính, bởi vậy không thể hiện đúng bản chất của tiểu thuyết phiêu lưu. “Đặc điểm của tiểu thuyết phiêu lưu là sau mỗi biến cố, nhân vật bị ném vào một không gian mới đầy xa lạ, nhiều hiểm họa” (Trần Đình Sử) [5]. Phan Tứ đã chú trọng xây dựng loại “không – thời gian cản trở” với chức năng thử thách nhân vật. Cả không gian lẫn thời gian đều cộng hưởng nhau gây sức ép lên các hoạt động nhân vật, để từ đó sàng lọc, chỉ giữ lại những anh hùng lý tưởng theo quan điểm cách mạng.

Nói tóm lại, “không – thời gian cản trở” là một đặc điểm của cốt truyện phiêu lưu, và khi sáng tác Trước giờ nổ súng, Phan Tứ ý thức rất rõ điều đó. Tác giả không chỉ xây dựng thành công xuất sắc không gian và thời gian nghệ thuật mà còn tỏ ra có tài trong nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật. Giọng văn linh hoạt, uyển chuyển, kết hợp nhiều giọng điệu khác nhau. Trước giờ nổ súng còn lôi cuốn bạn đọc bởi nó cung cấp một kho tàng kiến thức hết sức phong phú về Đất nước và Con người Lào. Nó xứng đáng là một trong những cuốn tiểu thuyết hay của văn học Việt Nam thời chiến tranh.

Trước Giờ Nổ Súng (Hình ảnh lưu trữ)
Trước Giờ Nổ Súng (Hình ảnh lưu trữ)

Trích đoạn

Chương 1

Mưa núi tỏa đều và nặng trên đồn Pà Thạc.

Những nóc lô cốt chìm trong đêm, hằn trên nền trời vần vụ một đường sóng dài, chen đôi chỗ gãy góc. Ngọn đèn điện treo giữa cổng chính soi ánh vàng ệch xuống một mảng thép gai và mấy thân cọc lổn nhổn chạy vào bóng tối. Cái khối bê tông, gỗ, đá, thép gai úp tròn trên đỉnh đồi này nằm lịm, chỉ hé lên đôi chấm đèn ngái ngủ. Từng lúc, bọn lính trong hầm nói mê lầu bầu, nghiến răng, nhai tóp tép. Tiếng động luồn qua các lỗ châu mai như một hơi thở ngột ngạt, cắt ngang tiếng dế rên ti tỉ từ trong lòng đất thấm ra, rồi lắng đi.

Tên lính gác vẫn đứng dựa vào tường lô cốt, gãi, ngáp, xốc cổ áo mưa sột soạt. Lưng hắn bịt giữa lỗ châu mai. Lính gác không đứng trước lỗ châu mai bao giờ. Nhưng hắn là lính mới, hắn ngốc. Hai giờ gác dưới mưa dài hơn hai canh bạc thâu đêm. Hắn vặn người, vươn vai một cái rõ mạnh. Rồi hắn giật thót bụng, bật người sang bên: bàn tay hắn vừa chạm phải vật gì mềm mà tròn trên miệng lỗ châu mai. Như con rắn. Hắn lóng ngóng lên đạn, lại buông súng. Hắn đánh diêm, khum tay che mưa, soi. Không có gì. Chắc con rắn đã bò ra ngoài, hay là hắn mê ngủ cũng nên. Hắn xốc lại áo mưa, chập chờn ngủ đứng.

Dưới chân hắn, cách đế giày độ một gang tay, nền đất không phẳng nữa mà cồn lên lượn xuống thành những nét lạ. Những nét ấy từ từ chuyển, từ từ chuyển, không một tiếng động, như con trăn gió nửa đêm trường lên cây bắt khỉ.

Đại đội trưởng Lương nhún mình trên mười đầu ngón tay, nhích lùi ra một gang nữa, rồi nằm im, dán người dọc chân tường. Thân hình trần truồng bôi kín đất đỏ lẫn vào màu đất sân đồn. Anh nheo mắt nhìn thằng lính gác ngờ nghệch đang ghếch cùi tay lên thành lỗ châu mai. Cáu không thể tả. Y như hắn đánh bạc bịp với Lương. Vừa rồi anh sốt ruột, nhoi lên gang lại chiều dày của tường lô cốt, bị hắn chạm phải tay suýt lộ. Giờ đây, đôi giày vải rách lại cắm sừng sững trước mặt anh như trêu tức. Từng luồng hơi thối khắm phọt qua lỗ thủng chỗ ngón chân út. Cái mảnh cao su đen tròn đính ngang mắt cá giày giống như một tròng mắt lồi nhìn Lương ngạo nghễ, không chớp.

Tiếng giày đinh lệt sệt đến gần. Lương lé mắt nhìn nghiêng. Mấy bóng đen dừng lại. Một tia đèn bấm lóe, tắt. Thằng lính gác lập cập bước ra, nói ấp úng, bị thộp ngực day cho lạng chúi. Chỉ trong một loáng, Lương đã nhô lên, đo vội lỗ châu mai, và uốn người bò đi. Chậm mất rồi. Tiếng chân chó lép nhép trên bùn chạy vào, to dần. Lương duỗi tay, úp mặt, nín thở, cố nén tiếng tim đập nhanh và ồn ào quá.

Hơi con chó nóng rà trên chân Lương. Như một đàn ong bò vẽ đang bò lổm ngổm trên da Lương, tìm chỗ đốt. Bình tĩnh, bình tĩnh… Lương nghiến răng, cố nghĩ sang một chuyện vớ vẩn gì đấy… Bập! Nó cắn rồi! Con chó bécgiê nhay mãi cái xác chết kỳ lạ, có máu mặn ấm mà không có mùi người. Nó nhả bắp chân, hít hít trên đùi, trên lưng. Bỗng nó rít khẽ, dạng chân quắp đuôi, vừa lùi vừa gừ gừ, rồi chạy biến. Từ đầu đến cuối không một tiếng sủa.

Lương đưa tay vuốt trán nóng như lửa, hít dài. Thoát nạn. Cũng không uổng công anh nằm dầm sương mấy đêm cho mất mùi mồ hôi, và bôi ít mỡ cọp vào lưng dọa chó. Không khí sao ngọt và thơm lạ, Lương thở mãi không chán.

Nửa giờ sau, anh ra đến rào thép gai. Hai lần rào “cũi lợn” ngồn ngộn chặn trước mặt, ống bơ và mìn nhằng nhịt. Bụng dán sát đất, hai tay xoa xoa trước mặt dò những sợi dây nhựa nhỏ muốt gài mìn, anh nhích từng tấc một, kéo theo bó cọc dài hai tấc chống dây thép gai. Mìn nhảy chôn chi chít theo hình nanh cá sấu, chỉ đợi một ngón tay chạm mạnh là tống lên trời một quả thép bằng bắp chuối, nổ ngang tầm ngực. Xâu kim băng xỏ kíp mìn cứ vơi dần, lại đầy. Không được để lại dấu vết.

Thân hình dẻo như bó gân ấy luồn sâu mãi vào giữa cái mạng nhện tưởng con muỗi qua không lọt. Đây là quãng đường vất vả nhất, nhưng ít nguy hiểm hơn chỗ sườn đồi trọc bị đèn pha quét loang loáng ngoài kia. Vào đồn thì “nhà nó cũng như nhà ta”, không có gì đáng ngại. Chả là thằng địch chỉ căng mắt dòm ra ngoài mà ít ngó xuống chân. Tự nhiên Lương nảy ra một cái thèm lạ lùng: hát một bài, chửi một tiếng thật to, hay giở một trò tếu gì đấy cho cái đồn ngốc nghếch này dựng tóc gáy lên mà chơi. Người ta ra vào như đi chợ mà cứ tưởng kiên cố lắm. Anh nhoẻn cười, gạt mồ hôi cằm, lại trườn.

Một giờ sau, Lương ra đến rừng.

Về tác giả

Về tác giả Phan Tứ

Phan Tứ

Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, sinh ngày 20 tháng 12 năm 1930 tại thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là người con thứ tư và cũng là người con trai duy nhất trong gia đình có bảy người con. Thân sinh ông là ông Lê Ấm (1897-1976), từng làm Đốc học ở trường Quốc học Huế từ 1924, Trường Quốc học Quy Nhơn (1928-1945), hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề Hội An (1966-1975). Mẹ của ông là bà Phan Thị Châu Liên (1901-1996), tục gọi là cô Đậu, vốn là con gái đầu của nhà Chí sĩ Phan Châu Trinh. Em gái họ của ông là bà Nguyễn Thị Châu Sa (sau này là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình). Ông cũng là cháu ngoại của nhà cách mạng Phan Châu Trinh

Tuy sinh ở Bình Định nhưng suốt thời niên thiếu, Phan Tứ lại sống ở quê cha ở Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Vốn sinh trong gia đình có truyền thống học giỏi, ông từ nhỏ đã khá giỏi về môn văn và tiếng Pháp. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia hoạt động trong đội tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam và tham gia cướp chính quyền ở địa phương trong Cách mạng tháng Tám.

Năm 1950, ông nhập ngũ, theo học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, phân hiệu Trung Bộ (Cồn Kênh, Thọ Xuân, Nông Cống, Như Xuân, Thanh Hóa). Cuối năm 1951, sau khi tốt nghiệp, ông được phân công theo đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1958, ông theo học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng năm này, ông đã viết cuốn “Bên kia biên giới” với bút danh Lê Khâm, viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào. Năm 1960, ông lại giới thiệu cuốn “Trước giờ nổ súng” với cùng đề tài trên. Cả hai quyển sách được đánh giá cao, và ông trở thành một nhà văn tên tuổi thời bấy giờ khi mới vừa tròn 30 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp năm 1961, ông được phân công trở lại công tác tại chiến trường Miền Nam, làm phái viên tuyên truyền khu ủy Liên khu V, ủy viên đảng đoàn Văn nghệ khu 5, và viết văn dưới bút danh Phan Tứ. Bút danh này trở nên nổi tiếng gắn liền với các tác phẩm của ông về sau này. Do sức khỏe yếu và chịu ảnh hưởng bởi tác động của chất độc hóa học, năm 1966 ông được rút ra Bắc để chữa bệnh, công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó giữ chức quyền Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng. Năm 1970, ông được kết nạp làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau năm 1975, ông về sinh sống và làm việc tại quê hương Quảng Nam. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Ủy viên Ban Thư ký (Ban thường vụ) Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa III.

Ông từng là Đại biểu Quốc hội khóa 8.

Ông qua đời đột ngột lúc 10 giờ 5 phút ngày 17 tháng 4 năm 1995 tại thành phố Đà Nẵng, khi còn dang dở bộ tiểu thuyết “Người cùng quê”.

Nguồn: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Nhà xuất bản

NXB Văn Học

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, PDF