Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Thế Giới Mới Tươi Đẹp
Là kiệt tác văn chương thế giới được viết năm 1931 và đã gây sửng sốt nhiều thế hệ dù gần một thế kỷ đã đi qua vì tính tiên tri của nó.
Thế giới mới tươi đẹp thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, mô tả London vào năm A.F.632 (tức năm 2540), đó là thế giới của một nhân loại mới, một loài người được làm lại hoàn toàn bằng công nghệ. Sản phẩm người dược chia thành 5 loại ở 5 đẳng cấp theo thứ tự từ cao xuống thấp theo các chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon, được đào luyện theo đúng đẳng cấp của mình để tạo nên một trật tự nhằm xây dựng thành “một thế giới tươi đẹp”.
Thế nhưng liệu một thế giới hành xử với nhau theo sự lập trình không cảm xúc, huỷ diệt tính người có thực sự là một thế giới tươi đẹp?
***
Lấy bối cảnh London vào năm A.F.632, tương đương năm 2540, tác giả dẫn người đọc vào một thế giới của một nhân loại mới, nơi loài người được làm lại hoàn toàn bằng công nghệ. Khác với việc sinh ra, lớn lên và phấn đấu để xác lập vị thế trong xã hội như thông thường, trong thế giới của Aldous Huxley, “sản phẩm” người được tạo ra bằng công nghệ và quan hệ thể xác chỉ để thỏa mãn nhu cầu khoái lạc của bản thân. Khi lần đầu tiên trông thấy thế giới mới, John-Người hoang dã – nhân vật chính trong tiểu thuyết của Aldous Huxley và tín đồ nhiệt thành của Shakespeare – đã kêu lên đầy hứng khởi: Ôi thế giới mới tươi đẹp! Và, tác giả cuốn tiểu thuyết với tựa đề Ôi thế giới mới tươi đẹp! dẫn ta vào thế giới mới ấy.
Cuốn tiểu thuyết ý tưởng này, thuộc loại viễn tưởng, đúng hơn là ‘phản-không tưởng’ hay ‘không tưởng-đen’, cực kì nổi tiếng từ khi nó ra đời. Không một người có học nào ở phương Tây không biết đến nó. Một hình dung ghê rợn về tương lai của loài người. Là không tưởng, tức là chỉ có trong tưởng tượng, nhưng nó gợi cho ta suy nghĩ về những xu thế có thể có của sự phát triển của công nghệ, của nền văn minh, và những hệ lụy đối với nhân tính của loài người.