Availability: In Stock

Sống Đọa Thác Đày

Tác giả: Mạc Ngôn

Tiểu thuyết “Sống Đọa Thác Đày” của tác giả Mạc Ngôn, người đoạt giải Nobel Văn học năm 2012.

Download:

EPUB  PDF  PRC

Mô tả

Giới thiệu tác phẩm Sống Đọa Thác Đày

Cảm giác đầu tiên của tôi khi cầm quyển sách lên là nặng, nặng từ cái trọng lượng ngót một cân và cái bìa tối màu nặng đi, nặng từ cái tên mượn lời Tam Hợp đạo cô phán về cuộc đời chìm nổi của Kiều nặng lại. Nhưng may quá, giọng văn chả có gì cao siêu nhưng rất uyển chuyển linh hoạt của Mạc Ngôn lại khiến nửa thế kỷ đầy những biến động lịch sử khốc liệt của nước Trung Quốc trôi qua trước mắt độc giả vừa như thực lại vừa như mộng.

Đầu tiên là mộng, người đọc đi theo linh (hay oan) hồn của địa chủ Tây Môn Náo mới bị xử bắn xuống xếp hồ sơ trình Diêm Vương duyệt dự án đầu thai. Tiếp theo là thực, hồn của Tây Môn Náo quay trở về đúng ngôi nhà của mình, đầu thai vào kiếp lừa, chứng kiến cảnh vợ mình thành vợ người khác, con mình thành con người khác… Rồi kiếp lừa qua hết lại tới kiếp trâu, lợn, chó…, Tây Môn Náo trong lốt lừa, trâu, lợn… vẫn gắn bó với những con người trong ngôi làng ở vùng Đông Bắc Cao Mật ấy, cùng họ đi qua những cột mốc thời gian tính bằng sự kiện, Đại Nhảy Vọt cuối thập kỷ 50, Cách mạng Văn hóa cuối thập kỷ 60 – đầu 70, Cải cách Khai phóng những năm 80…

Không chịu uống canh Mạnh bà để quên quá khứ, những ký ức của địa chủ – lừa – trâu – lợn – chó cứ chồng chất lên nhau, cuối cùng dồn lại ở thân xác yếu ớt của một cậu bé sinh ra trong những năm cuối cùng của thiên niên kỷ… Cậu bé ấy có quan hệ thế nào với địa chủ Tây Môn Náo đã chết từ 50 năm trước, cậu bé ấy có đem những ký ức chồng chất kia trải ra cho ai thấy hay không, tôi nghĩ bạn hãy tự tìm hiểu thì hay hơn. Trong khuôn khổ bài bình sách vô vị này, cái tôi nên và có thể đề cập đến chắc chỉ là phong cách văn chương.

Đọc cuốn sách này, một lần nữa tôi lại bị tác giả lôi xềnh xệch vào cái vùng đất quê hương thân thiết của ông ta. Tính ra, vố này là vố thứ ba thứ tư gì đó rồi tôi cũng như các bạn đọc phải cùng Mạc Ngôn về cái huyện mà chính tay ông ta đã tả rằng “không nơi nào trên trái đất lại đẹp nhất và xấu nhất như Cao Mật”. Tưởng là lần này hết cái để khám phá rồi, hóa ra không phải. Nếu như trước kia tôi say sưa với cảnh cánh đồng cao lương bạt ngàn dậy sóng hay những người đàn bà man dại nhà Thượng Quan thì giờ đây lại mê mải trong rừng hoa hạnh trắng xóa và những người đàn ông mang dòng máu Tây Môn… Khi đọc Đàn hương hình, tôi biết một Cao Mật trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tới cuốn này, Cao Mật lại thuộc về nửa cuối thế kỷ XX…

Và cũng như các tiểu thuyết nổi tiếng khác của mình, trong Sống đọa thác đày, Mạc Ngôn vẫn dạy cho người ta những bài học lịch sử qua những mảnh đời rất nhỏ. Tây Môn Lừa đã gõ móng qua những năm cải cách ruộng đất rồi kháng Mỹ viện Triều và nhà nhà luyện thép, Tây Môn Chó thì sủa vang trong khung cảnh phố huyện thời mở cửa đầu tư rồi xử tử hình quan chức tham nhũng… Trong truyện Mạc Ngôn, chẳng có một cá nhân nào thoát khỏi những rung động phát ra từ vòng quay của bánh xe lịch sử. Họ chỉ có thể sống bám vào bánh xe ấy, rồi khi mỏi mệt thì sẽ tự động buông thân xác già nua xuống chiếc huyệt đã đào sẵn, như Mặt Xanh và Tây Môn Chó đã làm.

Hơn 800 trang sách với 6 kiếp sinh tử bì lao qua 50 năm tưởng dài vậy nhưng cũng trôi qua thật nhanh, hơn 800 chữ bình luận hời hợt trôi qua còn nhanh hơn nữa. Điều cuối cùng tôi muốn nói là một lời chê và một chuyện bên lề. Lời chê dành cho bản dịch, một số chỗ mang văn phong miền Nam không thực sự phù hợp với bối cảnh Cao Mật (vốn ở phía đông bắc Trung Quốc) và một vài nhầm lẫn không đáng có như anh em cùng mẹ khác cha lại viết thành cùng cha khác mẹ. Còn chuyện bên lề dành cho tác giả: Mạc Ngôn hoàn thành tiểu thuyết này trong có 43 ngày. Tất nhiên, để có được 43 ngày ấy, cái ông họ Quản[3] này đã phải trải qua bao nhiêu đơn vị 43 dài dằng dặc khác thì nào ai mà biết!

Về tác giả

Về tác giả Mạc Ngôn

Mạc Ngôn

Mạc Ngôn (sinh ngày 17 tháng 2 năm 1955) là một nhà văn người Trung Quốc xuất thân từ nông dân. Ông đã từng được thế giới biết đến với tác phẩm Cao lương đỏ đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Bộ phim đã được giải Gấu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 1988.

Ngày 11 tháng 10 năm 2012, ông được trao giải Nobel Văn học năm 2012, là nhà văn đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc nhận được giải thưởng danh giá này.

Mạc Ngôn (莫言; bính âm: Mò Yán) (nghĩa là không nói) tên thật là Quản Mô Nghiệp (管谟业), sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Ông đã phải nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hoá và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng, luôn bị đói khát và cô đơn. Ông nhập ngũ năm 1976. Đến năm 1984, ông trúng truyển vào khoa văn thuộc học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút…, tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hiện nay, ông là sáng tác viên bậc 1 của Cục chính trị – Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Nguồn: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Dịch giả

Trần Trung Hỷ

Nhà xuất bản

NXB Phụ nữ

Định dạng

EPUB, PDF, PRC