Mô tả
Sơ lược tác phẩm Mùa Gió Chướng
Tác phẩm Mùa Gió Chướng này được ông viết vào năm 1975. Cuốn sách mô tả tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam chống lại sự đàn áp, ý đồ dời dân lập ấp của kẻ địch. Cuộc đấu tranh đó đã trải qua nhiều gian nan, thử thách, biết bao hy sinh mất mát.
Tiểu thuyết Mùa gió chướng đã từng được dịch sang tiếng Nga. Tác phẩm này cũng được đạo diễn Hồng Sến dựng thành phim.
Trích đoạn
CHƯƠNG 1
Điểm hẹn của tôi với Năm Bờ là nhà của một ông bác sĩ, ông Chín Nghề. Vết thương của anh được lành lặn là nhờ sự cứu chữa, chăm sóc của ông. Trước khi trở về chiến trường, anh muốn ghé thăm ông vì nhà của ông Chín cũng thuận đường ra trạm giao liên. Nhà ông Chín nằm trong khu bệnh viện. Nhìn qua ngôi nhà của ông, đủ biết ông là người có nhiều kinh nghiệm sống ở đất rừng. Nhà dựng lên gần mí trảng, gần nắng và nhiều gió. Ngồi trong nhà, ngước mắt nhìn ra, thấy được bầu trời cao và có thể thấy được máy bay – loại nào, từ đâu bay đến. Nhà dựng bên dưới lùm cây tai nghé, một loại cây nhỏ nhiều nhánh lá, lá như cái tai của con nghé, lá tươi xanh đủ bốn mùa, khỏi phải ngụy trang vào mùa lá rụng. Nhà lợp bằng lá trung quân, một thứ lá rừng nhỏ bằng bàn tay, lá xếp lại làm đôi, chầm lại từng miếng, một thứ lá vừa đẹp, vừa bền. Nhìn mái nhà lợp bằng lá trung quân, ta thấy đó là một công trình nghệ thuật. Mái lá trung quân nhà ông đã ngả sang màu cánh gián.
Tôi đến nhà ông trước giờ hẹn, lúc trời vừa xế bóng. Rừng im gió. Tôi đến trước vì ông cũng vốn là bạn đường vượt Trường Sơn với tôi. Ông là bác sĩ học ở Pháp, trở về Tổ quốc vào những ngày đầu kháng chiến. Một con người cao lớn, khoẻ mạnh và vui tính. Đầu ông bạc trắng lại cắt ngắn, đẹp và tròn như cái bông gáo. Ông đọc nhiều, hiểu nhiều, là bác sĩ nhưng ham thích văn chương. Trên đường Trường Sơn, ông là “cây văn nghệ” của đường dài. Lúc mới gặp ông, tôi nghe anh em gọi ông là ông bác sĩ “Quì Bông Nông”. Họ là họ Quì, tên thì Nông, chữ lót thì lại lót là Bông. “Quì Bông Nông”. Tên với họ nghe thật lạ tai! Nhưng sau thì tôi được biết, trong câu chuyện của ông, ông thường hay đệm tiếng Pháp. Ông nói, lúc mới về nước, ông không đủ tiếng để nói, phải “ăn nhờ” vào tiếng Pháp. Ông bỏ dần, chỉ còn có ba tiếng chưa bỏ được là Qui, Bon với Non[1]. “Quì Bông Nông” mãi rồi thành danh. Ông có biệt tài gây tiếng cười. Trên đường Trường Sơn, mỗi một trạm nghỉ chân là mỗi câu chuyện. Đặc biệt là chuyện tiếu lâm, chuyện tiếu lâm của toàn thế giới, tiếu lâm nước nào ông cũng biết. Ông nói, ông đã ghi lại hầu hết chuyện tiếu lâm thời kháng chiến chống Pháp, bây giờ ngoài chuyên môn của ông, ông còn có ý định sẽ ghi lại chuyện tiếu lâm thời đánh Mỹ của dân tộc Việt Nam. Với cái tài kể chuyện của ông, ông quen biết nhiều nhưng người mà ông nhớ thì chẳng được bao nhiêu. Tôi cũng là một thính giả bình thường của ông như bao nhiêu người khác. Nhưng nhờ có một việc nhỏ mà ông hãy còn nhớ tôi. Hôm ấy, một buổi trưa qua rừng thông, nắng gắt, sau một câu chuyện tiếu lâm, ông nói:
– Tôi đã gần sáu mươi rồi. Nhưng nếu bây giờ có một thằng nhỏ, nhỏ xíu thôi, nó mà cho tôi một miếng đường, nó bắt tôi dạ thì tôi sẽ dạ ngay!
Mọi người lại cười rộ lên, và thương ông. Tôi biết dự trữ đường của anh em trong đoàn đã hết từ lâu rồi. Riêng tôi, tôi chỉ còn được một vài muỗng, tôi cũng thèm lắm, nhưng cố nhịn, dành để lúc ốm đau. Tôi mở ba lô lấy gói đường ra, định chia phần cho ông phân nửa, nhìn đi nhìn lại, tôi thấy ít quá, đối với ông chẳng thấm tháp gì. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi mới nghĩ ra. Tôi chia ra phân nửa, độ hai muỗng cà phê, pha vào nước. Tôi cầm cái ca nước đường đến võng anh:
– Anh Chín, mời anh uống với tôi một ca nước.
Anh ngồi bật dậy:
– Gì đó ông? Trà?
– Dạ không. Anh uống thì biết.
Anh cầm ca nước, nhắm lấy một miếng, chớp hai con mắt, người như ngẩn ra. Tiếng anh vốn sang sảng, thế mà lúc ấy, giọng anh phào ra như hơi thở:
– Nước đường à?
– Dạ, nước đường, mời anh.
– Bon! – Anh uống thêm một hớp.
Tôi thấy anh uống từ từ, rất chậm, cho từng giọt thấm vào người. Anh đưa ca lại cho tôi.
– Mời ông.
– Phần này của anh, anh uống đi. Tôi uống rồi.
– Bon.
Sau khi uống cạn ca nước đường ngọt lờ lợ, người ông như tỉnh ra.
– Ông tên gì? – ông Chín hỏi tôi.
Tôi xưng tên.
– Ông làm nghề gì?
Tôi xưng nghề nghiệp.
…