Availability: In Stock

Dòng Sông Thơ Ấu

Tiểu thuyết “Dòng Sông Thơ Ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Mô tả

Sơ lược tác phẩm Dòng Sông Thơ Ấu

Hai Quang bị xã hội cũ đẩy vào tầng lớp lưu manh, làm dân anh chị ở bến xe rồi bị tù.Tuy nhiên bản chất là người lương thiện nên những hành động anh chị của Hai Quang đều có nét hào hiệp. Được cách mạng giác ngộ, anh trở thành một chiến sĩ kiên cường.

Ông Tư Ghe vốn là học trò thầy giáo cách mạng Châu Văn Liêm, ông đã từng dẫn đầu các đoàn biểu tình và phanh ngực ra trước mũi giặc: “Cái ngực đồng của tau đây nè, bắn đi!”. Thế mà khi cách mạng thoái trào, anh em bị khủng bố thì ông theo Hòa Hảo, hãnh tiến và cuồng tín trong “sứ mệnh” truyền đạo của mình.

Hai nhân vật chính của thiên tiểu thuyết, với những mâu thuẫn về quan điểm sống và chịu tác động của dòng đời đưa đẩy, là hai số phận điển hình trong thời Kháng chiến. Từ góc nhìn của nhân vật, tác giả đã khéo trình bày những sự kiện lịch sử và những đấu tranh trong lòng người thay đổi theo thời gian, như con sông khi trôi khi đục, chảy đi mang theo tất cả.

Trích đoạn

Chiếc xe đò từ Sài Gòn về làng, cuốn theo bụi cát của con đường dài hàng trăm cây số, dừng lại trước cửa nhà cha tôi. Xe dừng nhưng máy vẫn nổ, anh lái xe vừa bóp kèn, vừa vỗ cả cửa xe, ló cái đầu ra cửa, kêu lớn.

– Chú Hai ơi! Thằng Năm con của chú còn sống, về tới Sài Gòn rồi.

Không đợi cha tôi bước ra, anh cứ hét vọng vào nhà. Khi cha tôi, một ông già hơn bảy mươi, ốm yếu, từ trong nhà bước ra, chưa thấy mặt anh thì xe đã chuyển bánh chạy rồi.

– Nó nói cái gì vậy bây? Chạy ra bến xe hỏi lại nó coi!

Chị tôi đang ngồi sàng gạo, chị nghe rõ hơn:

– Thằng Năm về!

Chị tôi vừa nói, vừa vụt chạy ra đường với hai bàn chân đất. Cả mấy đứa nhỏ trong nhà (những đứa mà ngày tôi đi, chúng chưa có mặt ở trên đời) và lũ nhỏ hàng xóm ùa ra đường, chạy ra bến xe ngoài chợ.

Chị tôi chạy trước, khi rõ được tin rồi, chị quay lại bảo với mấy đứa con:

– Về nói với ông ngoại, cậu Năm bây còn sống, về tới Sài Gòn rồi.

Từ chợ, chị ghé từng nhà trong bà con dòng họ, vừa đi, vừa chạy, đến lúc trở về, chị mới hay, cái đầu tóc xổ ra lúc nào, cứ xấp xải và tay vẫn cầm cái sàng gạo.

Chị cười nói với mọi người:

– Tôi như con điên.

Hôm sau, cái mái tóc xấp xải của chị không còn nữa. Chị cạo đầu, chiều qua lúc vừa xẩm tối, sau khi đốt ba nén hương vái lạy ông bà.

– Tôi có vái, nếu đất nước được giải phóng, thằng em tôi còn sống thì tôi xin xuống tóc[1], xin ăn chay một tháng. Hồi nó đi tôi chưa lấy chồng, bây giờ tôi đã có tám mặt con rồi, còn gì!

Gia đình tôi có tám chị em, mất hai còn sáu. Chị lớn, chị Hai, mất từ bé, những đứa em sau không ai biết mặt chị. Người anh kế, anh Ba, thay chị là anh lớn. Chị thứ tư, tôi thứ năm, kế là em gái thứ sáu, thằng em trai thứ bảy cũng mất lúc còn ẵm ngửa, còn thằng thứ tám và thằng út. Có người khen má tôi giỏi, sanh con thật đều, cứ ba năm một đứa, đến thằng út, không sanh nữa thì mất. Má tôi mất lúc tôi mới mười ba, chị tôi mười bảy, thằng út mới lên hai. Chị tôi phải thay má tôi chăm sóc cho cả đàn em. Còn anh lớn tôi, anh Ba, chỉ thấy mặt trong bữa cơm. Chị coi tôi như người bạn, việc gì cũng thổ lộ.

Một đêm hát đình, chị cùng bạn gái đi xem hát: Chị mặc áo dài trắng, cổ đeo kiềng vàng, tai đeo đôi bông hột đá, và tóc còn để ngang. Lần đầu tiên tôi thấy chị đẹp.

Cái đình! Cái đình của làng tôi nằm ở giữa làng, bên con đường đá. Trước mặt đình, qua con đường đá là bến sông, bên kia sông là rặng cây của cù lao. Nhìn ngang là chợ Phủ Thờ có một hàng sao, nhìn xéo lên là tháp chuông của nhà thờ cù lao Giêng. Cái nhà thờ được dựng lên từ ngày Tây mới chiếm nước ta, nên còn gọi là nhà thờ gốc. Cái tháp chuông vượt hẳn lên khỏi rặng cây, ở phía bên này sông, đứng đâu cũng nhìn thấy, như cái lâu đài với màu xanh đang ngả xám. Cái chuông ấy bao lớn, không ai nhìn thấy; buổi chiều và sáng sớm, tiếng chuông ở tận bên kia, lan qua mặt sông, vang đến tận từng nhà bên này sông. Dù không theo đạo, cũng phải nghe tiếng chuông của Chúa! Cái đình của làng tôi thờ ai, chẳng mấy ai biết. Theo lời bà nội tôi kể đình làng thờ ông Chưởng Cơ, tức là Thoại Ngọc Hầu. Sau khi đào xong con kinh Vĩnh Tế, vạch đường biên giới giữa nước ta với Campuchia, số người già yếu được Ngài cho giải binh. Số binh sĩ ấy mới trụ lại đất An Giang này, người bên Hậu, kẻ vượt sông, sang Tiền, xây cơ lập nghiệp. Nghe đâu, ông sở hay ông sơ[2] của tôi là lính của Ngài. Hằng năm, hễ đến rằm tháng sáu, trăng tròn, thì có lễ cúng đình, làm heo, làm bò, vật cả trâu, những ai là người vai vế trong làng, áo dài với khăn đóng, đều tụ về, mâm trên mâm dưới, ăn ăn uống uống đến mấy ngày liền. Lại kêu gánh hát từ Sài Gòn về, hát suốt ba đêm. Ba ngày lễ ấy, từ trưa cho đến chiều, một chiếc xe ngựa, dựng hình đào kép với cảnh tuồng tích. Hai bên hông xe mỗi bên một tấm, sau xe một tấm, tấm nào cũng lớn bằng cái bảng đen ở trường, đủ màu xanh đỏ vàng trắng. Mặt các cô đào các anh kép, mặt Quan Công cùng Lã Bố… Xe trần không để mui, trên xe có đào thật, kép thật, son phấn mũ mão với lông công, cùng với một cái trống. Chiếc xe ngựa chạy trên con đường đá, dọc theo làng với những tiếng trống thùng thà thùng thình tở mở. Ngựa chạy đến đâu, con nít hai bên đường ùa ra đến đó. Trên xe, họ ném giấy quảng cáo cho trẻ em giành giựt. Giấy quảng cáo tung ra trắng như cánh chim. Làm sao mà không nôn nao cho được! Nhà thổi cơm sớm, ai cũng chập chờn bước ra khỏi cửa. Sao đêm ấy, tôi không đi với chị tôi? A! Tôi nhớ ra rồi, chị tôi dỗ các em:

– Người ta đông như kiến, đi lúp xúp dưới chân người ta, người ta đạp chết.

Về tác giả

Về tác giả Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng, còn có bút danh là Nguyễn Sáng, sinh ngày 12 tháng 1 năm 1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Từ tháng 4 năm 1946, ông xung phong vào bộ đội, làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2. Đến năm 1948, được bộ đội cho đi học thêm văn hóa ở Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950, về công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo và Hòa Hảo).

Năm 1955, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc, chuyển ngành với quân hàm Chuẩn úy, về làm cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1958, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ biên tập nhà xuất bản Văn học, cán bộ sáng tác.

Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, trở ra Hà Nội, tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn.

Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, ông về Thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức Tổng Thư ký (về sau đổi tên gọi thành Chủ tịch) Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh các khóa l, II, III.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; Ủy viên Ban Chấp hành Hội khóa II, III và là Phó tổng thư ký Hội khóa IV.

Không lâu sau sinh nhật lần thứ 82, ông đột ngột qua đời tại nhà riêng nơi mà ông đang sống tại Quận 7 vào lúc 17 giờ ngày 13 tháng 2 năm 2014.

Nguyễn Quang Sáng là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Ông là cha ruột của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người đã thay mặt gia đình đọc lời cảm tạ trong lễ truy điệu.

Nguồn: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Nhà xuất bản

NXB Hội Nhà Văn

Nhà cung cấp

Phương Nam Books

Định dạng

MOBI