Availability: In Stock

Đất Khách Quê Người

Tác giả: Mario Puzo

Tiểu thuyết “Đất Khách Quê Người” của nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Mô tả

Giới thiệu tiểu thuyết Đất Khách Quê Người

Lucia Santa từ Ý di cư sang NewYork khi còn rất trẻ. Tại đây, Lucia Santa có hai đời chồng và là mẹ của sáu người con. Bà phải đấu tranh cật lực cho sự sống còn của mình và người thân. Bà phải làm thủ lĩnh gia đình trước việc đầu hàng của hai người chồng. Bà trở nên năng động, kiên quyết và yêu thích giữ gìn các truyền thống của quê hương mình.

Đất Khách Quê Người là một thế giới người thân, hàng xóm và bạn bè đầy bất an trong một thành phố nhiều biến động, với những giai thoại hài hước và những bi kịch đau thương. Lucia Santa thành công trên con đường tha hương nhờ ý chí kiên cường sẽ là biểu tượng cho những phụ nữ có hoàn cảnh tương tự trên thế giới này.

Đất Khách Quê Người” là cuốn tiểu thuyết với các tập tục sinh động, mạnh mẽ; đồng thời cũng là một cuốn tiểu thuyết phân tích tâm lý sâu sắc về một người phụ nữ đặc biệt.

Lời nói đầu

Đất Khách Quê Người là tác phẩm văn học đạt tới sự chân thật, thẳm sâu đến kỳ lạ của nhà văn lừng danh Mario Puzo. Theo tác giả, từ những năm sáu mươi, ông đã dành phần lớn tâm trí cho đề tài nhân sinh này. Ông đã sống, đã thể nghiệm, đã “trầm người” trong khu vực đề tài để diễn tả với một sức mạnh mới.

Đất Khách Quê Người là một phần máu thịt của ông, là quê hương, gia tộc, gia đình ông. Mỗi nhân vật trong sách dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp…đều là người thân của ông hoặc người ông đã tiếp cận, được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh bi thương của con người, buộc phải rời Tổ quốc vượt ngàn dặm biển để kiếm sống nơi đất khách quê người.

Mario Puzo là tác giả liên tục thành công trong nhiều cuốn sách, mà tiêu biểu là Bố Già, đã vạch trần và lên án các tập đoàn tội ác Mafia, hoạt động trên đất Mỹ và địa bàn liên quan, với đường dây buôn lậu ma tuý, gái mãi dâm, sòng bạc, ám sát, khống chế, bắt cóc tống tiền.

Đất Khách Quê Người khi được xuất bản đã nhanh chóng được công chúng chào đón và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Khác với tác phẩm Bố Già – tận cùng mãnh liệt, trong Đất Khách Quê Người, chúng ta nhận diện một Mario Puzo hồn hậu, sâu xa, tinh tế. Bằng văn phong bình dân, ông viết sinh động và phong phú, xây dựng nên một bản dân ca bi hùng tráng, ly kỳ trong cụ thể, đồ sộ trong giản đơn…Ông đã sống, đã yêu, đã đau khổ và vui sướng cho tác phẩm rất chân phương và lạ lùng này.

Nếu Bố Già là đỉnh nhọn thì Đất Khách Quê Người là mặt bằng rộng lớn, với chiều sâu của nhà văn thấu suốt con người và vì lợi ích con người mà chiến đấu bằng bút lực dữ dội, làm rung động lòng người. Toàn bộ khung cảnh cuộc hành hương này được Mario Puzo khái quát vào cuộc sống một gia đình lưu vong người Ý Angeluzzi-Corbo, mà góa phụ Lucia Santa một người đàn bà nghèo khổ, dốt nát nhưng là người mẹ sống chết vì con, đầy bản sắc Ý và rất đỗi anh hùng.

Năm mười bảy tuổi Lucia Santa cùng hai người bạn gái rời gia đình vượt mấy ngàn cây số trên đại dương để sang Mỹ lấy chồng, mà chàng trai ấy cô chỉ nhớ thoang thoáng là có cùng chơi giỡn với nhau lúc nhỏ. Nhà nghèo nên ngày Lucia Santa ra đi, ông già không cho nổi con gái cưng một bộ đồ cưới và tấm khăn trải giường. Xuống tàu đi, Lucia Santa dù rất mực thương cha nhưng vẫn hận cha mình mãi.

Nơi đất khách, bốn mươi năm ròng rã gia đình Lucia Santa sống gói kín trong căn hộ số 358 lầu bốjn, chung cư đại lộ Số Mười, khu tây New York. Nơi lưu cư này bà đã sinh nở cho hai đời chồng, nuôi dạy sáu đứa con và cố giữ đúng nề nếp tập tục dân nước Ý, phản đối lối sống buông thả của đám trẻ theo kiểu Mỹ. Nhưng quan trọng nhất là bà chỉ huy con cái tập trung sức lực và trí khôn chống lại sự nghèo khổ, tủi nhục, mặc dù có lần bà bảo các con bà phải biết tự hào về cái nghèo thơm thảo của chính mình. Bà cho rằng mình nghèo nhưng là cái nghèo vĩ đại.

Chung quanh mối quan hệ đan xen với gia đình do “dũng tướng” Lucia Santa cùng Octavia, đứa con gái thông minh và cương trực, chèo chống, cuộc sống xã hội của cộng đồng lưu dân Ý trên đất Mỹ ở đại lộ Số Mười hiện ra rõ đến đỗi người đọc thấy như có mình trong đó. Chúng ta chảy nước mắt đau khổ hoặc vui mừng cùng các nhân vật. Thuật ẩn ngữ và lối nói dí dỏm trào phúng là đặc tài của Mario Puzo bộc lộ ở đây.

Trở lại buổi đầu, Lucia Santa với những khát vọng về một vùng đất mới giàu sang bị tan vỡ, dù đó là vùng đất “hứa”. Thực tế này cho thấy ở bất cứ nơi nào cũng có cái ác, có hiếp đáp, giành giựt, có mưu sâu kế độc để hãm hại nhau. Nhưng ở bất cứ nơi đâu cũng có con người sống gắn bó với nhau, yêu thương nhau, giữ cho kỳ được những bản thể tốt đẹp vẫn có của mình để cùng hướng lên cuộc sống văn minh. Đất KHách Quê người chính là bài ca về sự nỗ lực lao động quên mình để có cuộc sống ấm no, và người chân thật dẫu ở đâu vẫn có thể sống hiên ngang, đứng vững bên cạnh bọn gian xảo, chiếm đoạt, vu khống…

Cuối cùng khi về già, con cháu đầy đàn, Lucia Santa lên chiếc xe nhà về khu Long Island sang trọng, giã biệt căn hộ chung cư và kiếp sống lầm than. Chi tiết này Mario Puzo cho bạn đọc một niềm vui có thật. Đây là tính nhân hậu của nhà văn.

Đọc Đất Khách Quê Người không phải chỉ để thông cảm một cách sâu xa về đồng loại, mà còn để tự hào và tin cậy ở chính mình.

Về tác giả

Đôi nét về tác giả Mario Puzo

Mario Puzo

Mario Puzo (Mario Gianluigi Puzo, 1920-1999) sinh ra trong một gia đình người Italia nhập cư sang Mỹ. Cha mẹ Mario hoàn toàn mù chữ và tuổi thơ của cậu bé này đã trôi qua “dưới đáy” xã hội ở New York. Trong Chiến Tranh Thế Giới II, Mario Puzo phục vụ trong quân đội Mỹ. Ông từng có mặt trên chiến trường nước Đức và vùng Đông Á. Sau đó Puzo học Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội New York và Đại Học Tổng Hợp Colombia rồi công tác gần 20 năm tại các cơ quan của Chính Phủ ở New York và nước ngoài.

Năm 1955, Puzo cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên “Đấu Trường Đen”. Đây không phải là một cuốn sách về Mafia mà về cuộc đời một chàng cựu binh Mỹ trong bối cảnh thành phố Berlin hoang tàn sau chiến tranh với những vụ áp phe, buôn lậu, lừa đảo và cả những mối quan hệ nồng ấm tình người. Tuy nhiên, “Đấu Trường Đen” không thuộc số những cuốn sách ấn tượng nhất của Puzo.

Từ năm 1963, Mario Puzo bắt đầu tác nghiệp như một phóng viên tự do, đồng thời coi viết văn là công việc nghiêm túc của mình. Năm 1969, với sự xuất hiện lừng lẫy của “Bố Già”, Puzo đã trở thành nhà văn được cả thế giới ngưỡng mộ. Suốt một thời gian dài, “Bố Già” luôn chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất hành tinh. Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có con số xuất bản đáng kinh ngạc: 11 triệu bản trong năm 1969 và 21 triệu bản tính đến tháng 7/1999.

Bố Già Don Vito Corleone trong tiểu thuyết của ông và những sự kiện bạo liệt quanh ông ta dường như được bao phủ bởi một màu sắc lãng mạn khiến cuốn sách có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tuy nhiên Puzo không chỉ dừng lại ở việc lãng mạn hóa “Bố Già”. Tác giả đã xây dựng câu chuyện dựa trên những chất liệu có thật, đã tiểu thuyết hóa các nhân vật bằng những nét miêu tả chân chất. Nhiều tư liệu gần đây về Mafia cho biết Bố Già ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh đầu tiên của giới Mafia Italia di cư sang Mỹ. Ông này cầm đầu giới giang hồ ở Sicily (Italia) và sau đó là thống soái của nhóm “Bàn Tay Đen”, tiền thân của Mafia Mỹ.

Tuy nhiên, bản thân Puzo thì nói rằng ông chưa bao giờ tiếp cận với một tay gangster bằng xương bằng thịt, rằng nguyên mẫu cho nhân vật bố già chẳng phải ai xa lạ mà chính là mẹ ông, một phụ nữ Italia nhập cư đã phải làm mọi thứ để có thể nuôi sống con cái và giữ cho gia đình hòa thuận. Trong cuốn “Bố Già” Puzo cũng cẩn thận ghi chú rằng: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có đều là ngẫu nhiên… Độc giả cũng như giới phê bình đều công nhận rằng, Puzo đã miêu tả thế giới của “Bố Già” tuyệt vời đến nỗi có người còn ngờ ông là “tay trong” của Mafia.

Năm 1972 Francis Coppola đã chuyển thể “Bố Già” thành phim. Sau đó vị đạo diễn tên tuổi này lại đề nghị Puzo hợp tác để viết tiếp kịch bản “Bố Già II”. Bộ phim bất hủ này đã đi vào lịch sử Hollywood và điện ảnh thế giới với các giải Oscar cho phim hay nhất và cho kịch bản hay nhất. Vai diễn Bố Già cũng đem đến cho hai diễn viên gạo cội Marlon Brando và Robert De Niro 2 giải Oscar. Kịch bản cho phim “Bố Già III” (xuất hiện trên màn bạc vào năm 1990) cũng được viết chung bởi Puzo và Coppola.

Puzo tâm sự về việc viết “Bố Già” như sau: Một lần tình cờ có một đồng nghiệp ghé đến chỗ tôi. Tôi đã đưa bản thảo “Fortunate Pilgrim” (bản tiếng Việt là Đất Khách Quê Người) cho anh ta đọc. Một tuần sau anh ta quay lại và tuyên bố: Mario là một nhà văn vĩ đại! Tôi rất phấn chấn và đã thết anh bạn một bữa thịnh soạn tại nhà hàng. Trong khi ăn, tôi kể cho anh nghe những câu chuyện về Mafia và đọc một vài đoạn trong bản thảo “Bố Già”. Bạn tôi đã bị sốc. Một tuần sau anh ấy lại đến và nói rằng đã lên lịch hẹn cho tôi gặp một chủ xuất bản. Tại cuộc gặp đó, tôi cũng kể rất nhiều về Mafia. Ông chủ xuất bản rõ ràng là rất thích. Vì vậy ông ta đặt tôi viết một cuốn tiểu thuyết về những chuyện đó và ứng trước cho tôi 5 nghìn đôla. Chuyện xảy ra như thế đấy. Thật kỳ lạ và không thể hiểu nổi. Tôi đã bắt tay vào viết “Bố Già” nhưng thực lòng không hề thấy hứng thú… Tôi viết cuốn sách trong vòng 3 năm. Thời gian ấy tôi đồng thời còn viết cho Martin Gudman một số truyện phiêu lưu mà không đòi hỏi nhuận bút…

Độc giả Việt Nam hẳn không xa lạ gì với “Bố Già” – cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay nhất về giới giang hồ Mafia ở Mỹ. Nhà văn Mario Puzo, cha đẻ của “Bố Già” lại thú nhận rằng ông không hề hào hứng khi viết cuốn sách bán chạy nhất này, ông chỉ viết nó vì đang… túng tiền!

Thông tin bổ sung

Tác giả

Tên tiếng Anh

The Fortunate Pilgrim

Dịch giả

Đặng Phi Bằng

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, PDF