Availability: In Stock

Biển Gọi

Tác giả: Hồ Phương

Tiểu thuyết “Biển Gọi” của Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam – nhà văn Hồ Phương.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Mô tả

Sơ lược tác phẩm Biển Gọi

“Biển Gọi” là câu chuyện kể về đoàn tàu không số, về một chiến sĩ có tên là Vũ và đồng đội của anh – những chiến sĩ hải quân, những thủy thủ trên những con tàu nhỏ nhoi, đơn độc, len lách tìm tòi, khai mở những con đường mới trên biển cả mênh mông, lạ lẫm và đầy sóng gió, giông bão, giữa sự vây bủa trùng điệp của quân thù.

Trích đoạn

Chương 1

… Lúc mười giờ ba mươi phút ngày 16-2-1965, trung úy phi công Giê-mơ S. Bao-ơ của Lục quân (Mỹ), trong khi lái một chiếc máy bay lên thẳng UH.18 làm nhiệm vụ tải thương từ Quy Nhơn, bỗng nhìn thấy một chiếc tàu lạ được ngụy trang nằm ở vịnh Vũng Rô (1)thuộc bờ biển miền Trung của Việt Nam. Trung úy Bao-ơ lập tức báo cho cố vấn (Mỹ) chỉ huy “vùng duyên hải 2” là thiếu tá Hác-vây P. Rốt-giơ của hải quân Mỹ ở Nha Trang – “Vụ Vũng Rô”, như sau này vẫn thường được gọi, đã trực tiếp dẫn tới chiến dịch mang tên Mac-kết Thai-mơ (Market time), một chiến dịch có sự tham gia hoạt động trên một mức độ rộng lớn đầu tiên của hải quân Mỹ trong chiến tranh (ở Việt Nam).

Thiếu tá Rốt-giơ báo ngay tin này cho người cộng sự của mình, là thiếu tá Thoại của hải quân Việt Nam (ngụy) tư lệnh “Vùng duyên hải 2” và bố trí một chiếc máy bay đi điều tra chiếc tàu lạ bị phát hiện. Lát sau có báo cáo: đó là một chiếc tàu thuộc loại tàu đánh cá, dài khoảng một trăm ba mươi phít (2)và có lượng rẽ sóng khoảng một trăm tấn. Máy bay cường kích đã được điều tới và sau lần oanh kích thứ ba, tàu chìm xuống chỗ nước nông, mạn trái tàu bị úp xuống. Trận oanh kích thứ tư đánh vào một khu vực bên trên bãi biển, nơi nghi có chất các hòm chiến cụ đồng thời là nơi phân phát các vũ khí đi nơi khác.

—–

(1) Dưới chân Đèo Cả.

(2) Một feet = 0,3048m.

Thiếu tá Thoại sau đó bố trí một đại đội quân Nam Việt Nam (ngụy) của sư đoàn 23 ở Tuy Hòa bên cạnh đổ bộ vào khu vực bằng chiếc tàu đổ bộ LSM.405 của hải quân Việt Nam. Các đơn vị thuộc “nhóm ven biển 24” của hải quân Việt Nam cũng được lệnh giúp đỡ, và một đội SEAL (Hải cẩu) của hải quân Việt Nam (LDNN) được đề nghị cung cấp người lặn để tìm cách vớt chiếc tàu đã bị đánh đắm.

Đêm đó (16 rạng 17-2-1965) các cuộc không tập và chiếu sáng khu vực theo như đề nghị không thực hiện được. Một chiếc máy bay quan sát báo cáo vẫn nhìn thấy có ánh sáng và hoạt động của địch ở gần chiếc tàu bị đánh đắm và trên bãi biển kế cận.

Sáng hôm sau, chiếc LSM.405 đến Tuy Hòa để nhận đại đội quân đổ bộ lên tàu. Nhưng viên tỉnh trưởng không cung cấp người, viện lý do: khu vực bao quanh vịnh Vũng Rô và bán đảo Cáp Varenla (3)dưới quyền kiểm soát vững chắc của Việt cộng. Lúc mười bốn giờ ba mươi ngày 17, tàu LSM.405 mới đến được bên ngoài Vũng Rô và trên tàu không có quân đổ bộ đi theo. Sau hai lần dọn đường bằng máy bay, tàu hai lần tìm cách đi vào Vũng, nhưng cả hai lần đều bị các loại súng nhỏ và vũ khí tự động bắn chặn. Chiếc LSM, đành phải neo lại ngoài biển qua đêm, và không hiểu sao máy bay được yêu cầu đến chi viện tiếp, lại không thấy xuất hiện.

—–

(3) Cap Varella = mũi Nạy.

Ngày 18 tháng 2, một hội nghị được tổ chức ở Nha Trang do thiếu tướng lục quân Mỹ Uyliam E.đê Puy (William E.de Puy) thuộc Bộ Tham mưu J-3 của Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự ở Việt Nam (MACV) làm chủ tọa. Các đại diện của sư đoàn 23 lục quân Việt Nam, “Các lực lượng đặc biệt” Việt Nam, hải quân Việt Nam và hải quân Mỹ cũng đến dự. Một kế hoạch hành động đã được vạch ra bao gồm một lực lượng ngăn chặn với số lượng hai tiểu đoàn sẽ chiếm lấy vị trí trong đất liền dọc quốc lộ I, trong khi đó một đại đội khác sẽ tiến dọc bờ biển, từ căn cứ đèo Cả kế cận. Đồng thời một đại đội quân “Các lực lượng đặc biệt” Việt Nam sẽ được các máy bay lên thẳng đưa tới Đại Lãnh (nam Đèo Cả, Vũng Rô). Ở đó, họ sẽ lên tàu LSM.405 để đổ bộ vào nơi gần chiếc tàu bị đánh đắm.

Trong khi cuộc họp đang tiến triển, chiếc PCB.08 của Việt Nam cũng đến hoạt động với chiếc LSM.405 ở Vũng Rô. Thiếu tá Thoại rõ ràng làm cho chiếc tàu đắm bị phá hủy thêm khi ông hạ lệnh cho cả hai chiếc tàu tiến vào vịnh. Không có hỏa lực đối phương chống trả và sau khi vãi đạn loạn xạ vào khu vực, các tàu rút lui – Chiếc LSM.405 về Đại Lãnh để đầu hôm trở lại mang đại đội quân thuộc “Các lực lượng đặc biệt”.

Cùng trong đêm, chiếc PC.04 của Việt Nam chở theo một số người nhái cùng đại úy Phranclia Oanđơtxơn (Franklia Wandesson) cố vấn đội “Hải cẩu” đến để hợp lực cùng các lực lượng đang tăng cường ở Vũng Rô. Buổi sáng hôm sau, ngay lúc tám giờ tất cả ba chiếc tàu cùng tiến vào Vũng Rô. Sau khi được máy bay và pháo hải quân bắn chi viện dọn đường trước, hai chiếc PC.04 và LSM.405 khi còn cách bờ khoảng năm trăm i-ác (4)thì gặp phải hỏa lực súng nhỏ và vũ khí tự động. Hai tàu kịp lùi ra ngay và cuộc đổ bộ không thành. Vài giờ sau các tàu lại vào lần thứ hai. Lại gặp sức kháng cự, phải nện một lần nữa và lại lui ra. Cuối cùng, lúc mười một giờ, sau cố gắng lần thứ ba, đại đội “Các lực lượng đặc biệt” mới đổ bộ lên bờ được. Đọ súng với nhau một lúc, đến giữa buổi chiều thì khu vực kế cận chiếc tàu bị đánh đắm được an toàn, và người nhái bắt đầu công việc mò, vớt.

Về tác giả

Tác giả Hồ Phương

Hồ Phương

Hồ Phương là Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam và là một nhà văn nổi tiếng, ông đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2012.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1931 tại Hà Đông, Hà Nội.(có tài liệu ghi 1930, tại Tây Hồ (quận), Hà Nội)

Hồ Phương là nhà văn trưởng thành từ “Chiến sĩ Quyết tử” của Thủ Đô sáu mươi ngày đêm khói lửa bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông, gìm chân quân xâm lược cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn suốt những năm chống Pháp trong đội hình của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội là Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng, từ người lính lên Chính trị viên đại đội.

Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội từ khi mới 17 tuổi. Năm 1949 ông phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của Quân đội là báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308.

Từ năm 1955 ông về Tổng cục Chính trị, là thành viên tham gia thành lập tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957. Nhà văn Hồ Phương từng giữ chức Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1990 ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Hiện nay ông đang là chủ nhiệm hội văn nghệ sĩ Xứ Đoài.

Thông tin bổ sung

Tác giả

Nhà xuất bản

NXB Văn Học

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, PDF