Availability: In Stock

Câu Chuyện Quanh Nồi Cao Voi

Tác phẩm “Câu Chuyện Quanh Nồi Cao Voi” của tác giả Phạm Tiến Duật.

Download:

EPUB  PDF  MOBI  AZW3

Mô tả

Giới thiệu tác phẩm Câu Chuyện Quanh Nồi Cao Voi

Trích đoạn

1.
ĐI TÌM XƯƠNG VOI

Tôi viết lại câu chuyện này trong một viện quân y đã chiến ở miền tây Thừa Thiên. Bây giờ đang là tháng mười một dương lịch. Mùa mưa vừa đi qua ở triền tây dãy núi. Con sông A Lin nước dâng dầy ứ các hố bom hai ven bờ. Loại cua núi màu đỏ tía bò rào rào dưới khóm le[1]. Ếch nhái kêu thưa thớt và trầm đục, từng tiếng như vỡ ra từ các bong bóng nước có váng bùn. Trên vách đá phía sau dãy lán thảng thốt vút lên tiếng vượn hót nỉ non uốn lượn, gợi nhớ những chuyện cổ xưa.

Các trận đánh dữ dội giữa ta và hơn mười tiểu đoàn địch thuộc lữ đoàn dù 101 của Mỹ và tiểu đoàn 3 của ngụy, mới diễn ra cách đây ít lâu.

Hai người bạn nhỏ của tôi, chú Muôn và chú Thay đã rời mặt trận, ra Bắc học.

Tôi mở ba-lô, lấy ra một gói giấy, vật kỷ niệm của hai người bạn nhỏ, bác sỹ viện trưởng Nguyễn Đình Thà mới đưa cho tôi: một miếng cao voi bằng hai bao diêm, cắt mịn bốn góc như một miếng kẹo hồng. Tôi đưa lên mũi ngửi. Một mùi thơm hăng hăng ngòn ngọt bay lên. Cao voi cũng đen đen hồng hồng như cao ban long[2] , cao hổ cốt,[3] nhưng trong hơn. Mặt miếng cao nhăn nheo như mặt bàn tay người. Nghe nói cao voi chữa được nhiều bệnh nhưng đặc biệt là bổ gân. Chỉ cần ăn một lạng cao voi, có thể khỏe gân, rắn cốt, leo đèo lội suối không mỏi. Các chiến sĩ quân Giải phóng chiến đấu ở đây không mấy ai không biết đến loại cao voi độc đáo này.

Chẳng phải đến bây giờ người ta mới biết nấu cao bằng xương voi. Ông già Mây trong bản Mây đã kể lại chuyện quan Thẩm thời Nguyễn Nhạc đã lên vùng núi Phong Điền sức dân đi tìm xương voi về nấu cao. Chỉ trong khoảng một tháng, Thẩm đã chở về Phú Xuân[4] hàng yến cao. Đến bây giờ, trong một số hang đá ở ngọn nguồn sông A Lin vẫn còn dấu vết của các bếp nấu cao voi thời ấy.

Câu chuyện đó đến tai bác sỹ viện trưởng Nguyễn Đình Thà. Bác sỹ là người đã có tuổi, tóc lốm đốm bạc, đuôi mắt chân chim; vốn ít nói nhưng nghe không sót một câu chuyện nào của những người xung quanh. Bác sỹ Thà mời cụ Mây vào viện chơi và hỏi tỉ mỉ về cách nấu cao voi. Bác sỹ hình dung trước mắt mình có những mâm cao lát phẳng, được cắt ra phát cho thương bệnh binh.

Việc nấu cao voi như thế là đã hết sức rõ ràng, nhưng cái khó vẫn là ở chỗ lấy đâu ra xương voi bây giờ? Vẫn biết rằng trên núi, xương voi không thiếu. Hàng năm đồng bào đi săn, hạ được con voi nào thì xẻo thịt mang về, bỏ xương lại. Có con voi già ốm chết năm bảy năm xương vẫn còn. Có cả những nghĩa địa voi ở trên núi. Nhiều người đi rừng vẫn gặp. Nhưng lấy ai là người đưa đường bây giờ?

Hai ngày sau, bác sỹ Thà gặp được hai chú bé: Muôn và Thay.

Về tác giả

Về tác giả Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật (14 tháng 1 năm 1941 – 4 tháng 12 năm 2007) là một nhà thơ Việt Nam với nhiều tác phẩm thơ tiêu biểu viết trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Phạm Tiến Duật sinh ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và tiếng Pháp, còn mẹ làm ruộng, không biết chữ. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ (phóng viên). Trong 14 năm tại ngũ, ông đã có 8 năm gắn bó với Trường Sơn với Đoàn 559. Cũng chính trong thời gian này Phạm Tiến Duật đã sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng, ông từng bộc bạch: “Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông đóng góp chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ. Ông chủ yếu viết về hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái “tinh nghịch”, ngang tàng rất lính nhưng cũng rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”.

Nguồn / Xem thêm: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Bìa và minh hoạ

Dương Viễn

Nhà xuất bản

NXB Kim Đồng

Năm xuất bản

1972

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, PDF