Availability: In Stock

Qui Cố Hương

Tác giả: Jirō Osaragi

Tác phẩm “Qui Cố Hương” của tác giả Jirō Osaragi.

Download:

EPUB  PDF  AZW3

Mô tả

Giới thiệu tác phẩm Qui Cố Hương

Qui Cố Hương (tiếng Nhật: Kikyō / tiếng Anh: Homecoming, 1948) mô tả sự tức giận của tác giả Jiro Osaragi trước những thái độ nhỏ nhặt nổi lên sau Thế chiến thứ hai, và được trao Giải thưởng Học viện Nghệ thuật Nhật Bản năm 1950.

Trích đoạn

1. Con Công

ÔNG HỌA SĨ QUAY LẠI HỎI NGƯỜI BẠN GÁI:

– Bà nghĩ thế nào? Quang cảnh tuyệt đẹp bà nhỉ?

Trước đó một giờ, mưa giông đã trút xuống trên khắp vùng Malacca. Bên trên những ngôi nhà đông đúc, các mái ngói đỏ thắm, bóng loáng nổi bật giữa những lùm cây um tùm miền nhiệt đới. Những tảng mây mang đầy hạt mưa tẩu tán dần, để lộ những tia nắng le lói đó đây; nhưng mặt biển vẫn đục ngầu dưới lớp mây đen như bức tranh dần u tối. Trong khi hai người mãi đứng ngắm, cảnh trí sáng dần; cây cỏ vui tươi hơn, nhưng không hoàn toàn rực rỡ vì các màu sắc vẫn còn nặng vẻ thâm u. Ở đằng xa, bán đảo Đen duỗi dài trên mặt biển. Trong ánh nắng, những hàng dừa màu xanh đậm như đua chen với màu xanh thăm thẳm của nước biển bao quanh thành phố kết thành những màu sắc xinh đẹp, ánh sáng di động mỗi lúc tiến dần ra đại dương.

– Mình đến thật đúng lúc.

Rồi ông họa sĩ trèo lên một con dốc thoai thoải hướng về những phế tích của một ngôi thánh đường Thiên Chú giáo. Một người Mã Lai với cái lưỡi hái cán dài, đang cắt cỏ trên sườn đồi. nhưng khi trông thấy họ, y ngạc nhiên dừng tay để nhìn Saeko Takano mà dáng dấp trong bộ ki-mô-nô, tạo ra một cảnh tượng đặc thù của mùa Hạ xứ Phù Tang. Tại các nước ở miền Nam này, ngay cả những người Nhật cũng không khỏi chú ý đến nàng. Ngày trước, ở Đông Kinh, có lẽ ngoại trừ tại phòng khách của một vài khách sạn và khu diễn kịch Kabuki, thì chỉ có các cô ca kỹ mới dám lôi kéo sự chú ý và gợi cho người ta một cảm giác kiều diễm, thanh cao bằng chiếc áo ki-mô-nô.

Trong khi những người vốn thường dùng ki-mô-nô trút bỏ nó, khi đến Tân Gia Ba thì Saeko Takano ngược lại đã đem theo cả một lô y phục Phù Tang, mặc dầu tại Nhật nàng mặc Âu phục. Đôi khi nàng mặc bộ ki-mô-nô với một dãy thắt lưng màu sắc đơn thuần và những người gặp nàng không khỏi tự hỏi, người thiếu phụ quý phái đó là ai? Nhưng có khi nàng cũng thay đổi cách thức và mặc không chút ngượng ngùng một chiếc ki-mô-nô bằng gấm trắng với những hình màu sặc sỡ.

– Bà làm y ngạc nhiên.

– Dạ, sao ạ?

– Tôi nói là gã Mã Lai kia kinh ngạc khi trông thấy bà.

Người ta có thể tưởng tượng ra quá khứ của người thiếu phụ đó. Làn da trắng nõn, chắc hẳn đã được săn sóc nhiều và nét mặt nàng tươi sáng mỗi khi nàng nhoẻn miệng cười.

– Bộ y tưởng tôi là ma sao chớ!

– Không phải. Chẳng qua là một mỹ nhân thì ở đâu cũng đẹp cả, ngay ở các nước xa xôi.

– Ông Onokazi, ông quả khéo khen lắm!

– Dạ, đâu có.

Từ một cây “bunga” Trung Quốc phủ đầy hoa trắng to, mùi hương thoảng đến với hai người, nồng nặc sau cơn giông. Tất cả cây cối, thảo mộc và cả đất đai đều tỏa hương thơm ngào ngạt.

Họ bước vào trong ngôi thánh đường hoang phế, mái ngói đã sụp đổ để lộ bầu trời. Qua các khe hở của bốn bức tường, cây con đâm cành lá như những chòm râu rậm rạp. Biển xanh xuất hiện bên kia khung cửa sổ đổ nát.

– Ồ! Nhà thờ trống không à?

– Trước kia, người Bồ Đào Nha đã xây ngôi thánh đường này. Khi người Hòa Lan tấn công vào, họ phá hủy luôn công trình kiến trúc này vốn được được xây vào khoảng năm 1600, nghĩa là từ ba trăm năm nay.

Về tác giả

Về tác giả Jirō Osaragi

Jirō Osaragi

Jirō Osaragi (4/10/1897 – 30/4/1973) tên thật là Haruhiko Nojiri. Ông sinh ra tại Yokahama, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp từ Đại học Hoàng gia Tokyo, ông được nhận vào giảng dạy tại trường nữ sinh Kamakura (ngày nay là trường trung học Kamakura Jogakuin) nằm tại Kamakura, tỉnh Kanagawa. Nhờ các kỹ năng ngôn ngữ của mình, năm 1922, ông được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao. Nhưng sau trận động đất Great Kanto năm 1923, ông mất việc và quyết định trở thành nhà văn.

Năm 1924, ông xuất bản quyển tiểu thuyết lịch sử đầu tiên Hayabusa no Genji.

Các tiểu thuyết của ông phổ biến với bối cảnh lịch sử như Kurama Tengu (1924 – 1959), Teru Hi Kumoru Hi (“Sunny Days Cloudy Days”, 1926 – 1927), và Ako Roshi (“Loyal Retainers of Ako”, 1927 – 1928) đã được phát hành trên báo và tạp chí mang lại cho ông một lượng lớn những người ủng hộ. Nhiều truyện sau này được chuyển thể thành phim ảnh.

Osaragi cũng có viết các tác phẩm tiểu thuyết hiện đại như Shiroi Ane (“White Sister”) và Kiribue (“Misty Flute”). Kikyō (“Homecoming”, 1948) mô tả sự căm giận của tác giả trước những quan điểm tầm thường xuất hiện sau chiến tranh thế giới thứ II, và đã được trao giải thưởng Học viện Nghệ thuật Nhật Bản năm 1950. Osaragi cũng giành được giải thưởng Asahi vào năm 1952. Năm 1964, ông đã được chính phủ Nhật Bản trao Huân chương Văn hóa.

Osaragi chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn học và văn hóa Pháp, ông đã viết một số tác phẩm phi hư cấu biểu hiện sự hiểu biết của mình về các sự kiện gây tranh cãi ở Châu Âu: Dorefyus jiken (“The Dreyfus Affair”), Buranje Shogun no Higeki (“The Tragedy of General Boulanger”), và Pari Moyu (“Paris is Burning”; một tác phẩm về lịch sử Công xã Paris).

Khi qua đời năm 1973 ở tuổi 75, ông đang viết Tennō no Seiki (“Century of Emperors”), một biên niên sử dựa trên lịch sử tâm linh của dân tộc Nhật Bản.

Nguồn / Xem thêm: Wikipedia

Thông tin bổ sung

Tác giả

Nguyên tác

Kikyō

Tên tiếng Anh

Homecoming

Dịch giả

Bùi Ngọc Lâm

Nhà xuất bản

NXB Đất Sống

Năm xuất bản

1973

Định dạng

AZW3, EPUB, MOBI, PDF