Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Chiếc Lư Đồng Mắt Cua
Dù là tự truyện, “Chiếc lư đồng mắt cua” vẫn có những đoạn mang đầy tính ẩn dụ, nhiều khi ẩn dụ đến là ảo, nhưng trong cái ảo lại chứa đựng cái thực gai góc. Tôi ấn tượng nhất với ba hình tượng được dùng, may sao lại phân bố đều: một ở đầu, một ở giữa, và một ở phần cuối truyện.
Ở phần đầu, trước chuyến đi xa, nhân vật “tôi” nhìn vào chiếc đinh mắc áo đóng trên tường, nó đã ở đó từ ngày này qua tháng nọ như một vật chứng cho cái thói chơi đêm trác táng, dẫu gỉ sét đi rồi nó vẫn bám chặt vào tường. Nhìn vào nó, nhân vật “tôi” cảm thấy nó sắp long ra đến nơi rồi, nó chỉ yếu ớt bám vào bức tường như “những thói quen hằng ngày tầm thường của một cuộc sống tầm thường”. Để rồi sau đó, “tôi” đã mất hết cả ngày để nhổ bỏ cái đinh đó đi, như nhổ bỏ cái thói quen ăn chơi cố hữu của mình. Nhổ bằng tay không xong, “tôi” đi mượn kìm để nhổ. Mất nom “mấy phút lao lực” để nhổ bỏ một cái đinh, Nguyễn Tuân lại mất đến cả nom hai trang giấy khổ tập để nói về cái sự bạc nhược của “tôi” – hệ quả của những đêm ăn chơi không thấy mặt trời. Cái việc nhổ đinh ấy nó gợi đến cả quá trình thề thốt không đặt chân trở lại nhà hát của “tôi”, được nhắc đi nhắc lại không dưới ba lần, nhưng rồi mặc kệ bao nhiêu sức lực yếu ớt cố nhổ nó đi, nó vẫn trơ lì y như “tôi” vẫn năm lần bảy lượt quay lại nhà hát. Chú thích một chút: nhà hát ở đây là nhà hát ả đào.
Đến phần giữa, có một đoạn Nguyễn Tuân kể lại cái sự cô quạnh vắng vẻ khi một thân một mình dọn lên trại ở. Để đặc tả cái sự yên ắng đáng sợ của khu trại ấy, “tôi” kể lại câu chuyện đập bát mà tịnh không nghe thấy một âm thanh vỡ đổ nào cả. Cái không khí ấy nó khủng hoảng đến mức dồn “tôi” bỏ chạy xuống nhà hát ông Thông Phu, lại xin gia chủ cho gọi thêm mấy người bạn nữa đến, để mà ồn ào, để mà cấu chí các cô đào, để mà đập vỡ thêm mấy cái bát nữa, chỉ để nghe thấy tiếng vỡ đổ. Đấy! Đời thuở nào lại có cái chuyện lạ thế, không phải trong chân không mà đập đồ lại không nghe được tiếng vỡ! Ảo mị như vậy, kinh dị như vậy, tất cả chỉ để hướng đến cái trống hoác, cái “chân không” trong tâm hồn một tay chơi lạc điệu, và cũng để báo trước một loạt những hành động nổi loạn, chấm dứt sự cô độc tù túng của mình ở nhà hát.
Ở phần cuối truyện, Nguyễn Tuân có nhắc đến một anh bạn tên Bảo, kể lại câu chuyện tình cảm động giữa anh ta và cô vợ lẽ, vừa cưới về thì cô vợ bị bệnh lao, thuốc thang độ chừng một thời gian thì cô chết, anh làm đám tang cho cô thật hậu! Chuyện tình đẹp thì đẹp, nhưng từ đầu đã có cái gì đó không đúng! Cái lý do “tôi” bỗng dưng nhắc đến Bảo với độc giả là vì lo sợ một ngày nào đến lượt mình cũng ôm vào người một cô vợ lẽ, rồi bản thân lý do chết trẻ của cô cũng không lấy gì làm đẹp đẽ. Cái đám tang cô vợ lẽ của Bảo ấy đã ám ảnh nhân vật tôi đến độ khi “tôi” săn sóc bệnh tình cho một cô đào tên Xuyến, “tôi” đã buột miệng hỏi một câu đắt giá như để chốt lại một cái kết cho chính cuộc đời ăn chơi của mình ở nhà hát, cũng là câu cuối cùng của tự truyện. Cái đám tang trong tự sự ấy chính là một “cái chết” được báo trước của chuỗi ngày ăn chơi vô độ, không như cái chết của ông Thông Phu chỉ đơn thuần là cái chết của một trận hội hè đã đến kỳ rã đám.
Về bộ sách Việt Nam danh tác
“Việt Nam Danh Tác” – một dự án sách đặc biệt mà Nhã Nam đã bắt đầu ra mắt bạn đọc từ cách đây 5 năm. Bộ sách này là sự nỗ lực vinh danh giá trị, giới thiệu lại, tiếp thị lại với bạn đọc những gì đã một thời là tinh tuý của văn học Việt Nam trong một môi trường đọc đang biến đổi phức tạp với những trào lưu tiếp thu ồ ạt …
“Văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt kể từ giai đoạn 1930-1945, cần được xuất bản lại một cách chọn lọc, nhằm giới thiệu lại, tiếp thị lại với công chúng mới, với bạn đọc trẻ để có một chỗ đứng, một vị thế rõ ràng trong thị trường sách như một thứ tinh hoa văn học, góp phần nào đó vừa trung hòa vừa cạnh tranh lành mạnh với những xu hướng “sến”, “xổi”, “ngoại lai”, thị trường hóa ở mức thái quá của xuất bản hiện nay.”