Việt Đông

Việt Đông

Việt Đông là bút danh. Ông tên thật là Lưu Thoại Khải. Hiện vẫn chưa biết năm sinh và mất, thân thế cùng quê quán của ông. Căn cứ vào tư liệu hiện còn thì Việt Đông bắt đầu viết văn từ năm 1930. Từ năm 1931 về sau, ông cùng Ellen Anh Hoa viết chung một loạt tác phẩm với độ dày mỗi cuốn 32 trang và dự định ra mắt bạn đọc mỗi tuần một cuốn. Những tác phẩm này, ông tập hợp trong bộ Việt Đông văn tập ký tên là Văn khoa học sĩ. Chi tiết trên được nhà văn ghi rõ ở trang cuối cuốn tiểu thuyết Tiếng súng lục liên, do nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, ấn hành năm 1931. Theo thông tin quảng cáo ở một số bìa sách thì rất có thể ông là chồng của nữ sĩ Ellen Anh Hoa, tức Huỳnh Thị Anh Hoa và hai người có viết chung một số tiểu thuyết như Ai người hẹn ngọc; Duyên chàng nợ thiếp; Thân gái dặm trường; Con ở chúa nhà …

Kể cả những tác phẩm viết chung với Ellen Anh Hoa thì Việt Đông đã góp mặt cho văn xuôi Quốc ngữ Nam bộ hồi trước 1945 một khối lượng tác phẩm truyện và tiểu thuyết có thể nói là thật đáng kể, đồ sộ với 67 cuốn lớn nhỏ (có thể còn nhiều hơn, vì hiện chưa tìm được hết, bởi trên trang cuối các tiểu thuyết đã xuất bản, nhà văn có quảng cáo những tác phẩm sẽ xuất bản), với dung lượng ngắn nhất là 12 trang và dài nhất đến 116 trang. Những tác phẩm này thuộc nhiều thể loại khác nhau, được viết trong khoảng 08 năm, từ 1930 đến 1938. Do ông có dự định và bước đầu đã thực hiện được dự định ấy là ra bộ Việt Đông văn tập, mỗi tuần một cuốn, ký tên là Văn khoa học sĩ, nhằm đáp ứng yêu cầu và thị hiếu của số đông công chúng độc giả bấy giờ nên có nhà nghiên cứu cho rằng ông là “nhà văn thị trường”

Về cách dựng chuyện và kể chuyện trong tác phẩm của Việt Đông có thể nói là ít có gì đặc sắc; cốt truyện thường dung dị, giản đơn, có khi trơn tuột. Đây cũng là nét chung của nhiều ngòi bút văn xuôi Quốc ngữ Nam Bộ hồi đầu thế kỷ cho đến 1945. Bởi đối tượng tiếp nhận, người đọc phần đông là tầng lớp bình dân như phu xe, chị bán hàng… mà nhà văn có viết như thế thì mới phù hợp với thị hiếu công chúng. Việc xây dựng nhân vật và khắc hoạ tâm lý nhân vật trong nhiều tác phẩm cũng chưa được nhà văn chú tâm khai thác đúng mức. Đây là điểm hạn chế lớn nhất của ngòi bút Việt Đông. Ngôn ngữ kể chuyện trong nhiều tác phẩm thì thường kể với giọng văn không ổn định, mang nhiều giọng: lúc thì trơn tuột, mộc mạc, rất giản dị như lời nói thường ngày; lúc thì cầu kỳ gọt giũa, dùng nhiều điển cố, điển tích; câu văn có lúc viết theo lối biền ngẫu ngày xưa nên phần nào ít phù hợp với hiện thực và tính cách nhân vật được nhà văn phản ánh.

Riêng về đoản thiên tiểu thuyết và chuyện thần tiên thì tình tiết tưởng tượng ly kỳ, gay cấn, éo le, ít nhiều cũng gợi được sự tò mò và hấp dẫn cho người đọc.

Như trên đã giới thiệu, số lượng truyện và tiểu thuyết của Việt Đông thì nhiều, nếu không muốn nói là đồ sộ, nhưng tư duy nghệ thuật, bút pháp kể chuyện của ông thì không mấy nổi bật, chưa tạo được dấu ấn riêng. Đọc truyện và tiểu thuyết của ông, người đọc cảm thấy nhàn nhạt, có khi nhàm chán. Đó cũng là lý do để cắt nghĩa tại sao tác phẩm và tên tuổi của Viết Đông chưa được người đọc nhắc đến nhiều và ít được các nhà văn học sử, các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu nếu so với các cây bút khác cùng thời như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức, Tân Dân Tử chẳng hạn.

Nhìn chung, điều đáng quý là những tiểu thuyết của Việt Đông dù viết theo thể loại nào ít nhiều cũng đều có tính giáo dục, khuyến thiện trừng ác, sống đạo đức, khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự hào về quê hương với những truyền thống đạo lý tốt đẹp.

Tổng hợp ebook của Việt Đông