
Triệu Huấn
Nhà văn – Đại tá Triệu Huấn (sinh ngày 15 tháng 7 năm 1935) tên khai sinh là Phạm Triệu Huấn, quê ở làng Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
Ông là Đảng viên Đảng CSVN; Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1987.
Sau chiến tranh, Triệu Huấn đã có gần 10 năm thâm nhập thực tế tại các đơn vị, gặp gỡ các tướng lĩnh của ta và địch, tiếp cận các tài liệu ở Cục Tình báo, kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng, để xây dựng bộ Ký sự lịch sử Quân đội. Ông có may mắn gặp gỡ với đồng chí Vũ Oanh, người từng trực tiếp phụ trách công tác chuyển cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, đồng thời đưa cán bộ từ Bắc vào Nam lập cơ sở, chuẩn bị cho Tổng tuyển cử sau Hiệp định Giơnevơ. Được đồng chí Vũ Oanh cung cấp tư liệu về một số cán bộ vào Nam hoạt động năm 1954, Triệu Huấn còn trực tiếp gặp gỡ nhiều chiến sĩ tình báo hoạt động ở Tp.HCM. Linh cảm của người từng làm báo đã giúp ông lặng lẽ chắt lọc và tích lũy những tư liệu không dễ mấy người có được.
Năm 1986, Đại tá Triệu Huấn được nghỉ hưu. Nghỉ ở tuổi 52, cái tuổi “không còn trẻ, cũng chưa già”, Triệu Huấn chợt cảm thấy lúng túng, không biết phải làm gì cho đỡ buồn và để giúp đỡ vợ con. Thế là ông viết văn để… giải tỏa! Lúc đó, một số cuốn TTTB của các tác giả có tên tuổi đang rất ăn khách, khiến “cây bút trẻ” Triệu Huấn cũng nghĩ tới việc viết tiểu thuyết dạng này! Nhưng điều kiện thâm nhập thực tế không còn, khả năng kinh tế cũng chẳng cho phép, lấy đâu ra nguyên mẫu? Hơn nữa, ông tự biết mình là người cầm bút muộn mà “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” sẽ rất khó thành công. Vì vậy, muốn đến “thành Roma” phải đi theo đường khác. Không có nguyên mẫu, nhưng Triệu Huấn lại có một lượng tư liệu rất lớn về những người tình báo mà ông tích lũy được. Khối tư liệu quý giá khiến ông cứ đau đáu như người mắc nợ, giờ có cơ hội làm tròn sứ mệnh trong bước tìm tòi mạnh bạo của ông.
Nguồn: Người Nổi Tiếng TV / Công An Nhân Dân