
Thế Lữ
Thế Lữ (10 tháng 6 năm 1907 – 3 tháng 6 năm 1989), tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ (sau đó đổi thành Nguyễn Thứ Lễ), là một cố nhà thơ, nhà văn kiêm nhà soạn kịch người Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò là một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
Là một nghệ sĩ đa tài, Thế Lữ hoạt động rộng rãi trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ thơ, văn xuôi nghệ thuật (kinh dị, trinh thám, lãng mạn) cho đến báo chí, phê bình, dịch thuật và sân khấu. Trong tất cả các lĩnh vực, Thế Lữ đòi hỏi sự nghiêm túc, phong cách làm việc khoa học, cặn kẽ, tỷ mỷ, luôn muốn tìm ra sự hoàn mỹ. Đó là biểu hiện cho khát vọng của Thế Lữ: luôn săn đuổi và phụng thờ cái Đẹp đến suốt đời, như ông từng nêu tuyên ngôn trong bài thơ Cây đàn muôn điệu:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Sau khi qua đời, Thế Lữ tiếp tục được ghi nhận như một nghệ sĩ tiên phong, đặc biệt có công lớn trong việc mở đầu phong trào Thơ mới và là “người đầu tiên đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở nước ta trở thành chuyên nghiệp và có công xây dựng nó trở thành một nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh”. Trong lời truy điệu dành cho Thế Lữ, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Dương Ngọc Đức phát biểu:
“Thế Lữ là một trong những người đầu tiên đã đưa kịch nói lên sân khấu Việt Nam. Ông cũng là nhà đạo diễn số một, đầu tiên ở nước ta, là người đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên chuyên nghiệp… Xét về phương diện này, Thế Lữ xứng đáng được gọi là Người sáng lập ra nền kịch nói Việt Nam.”
Nguồn: Wikipedia