Những cuốn sách nên đọc về Chiến thắng 30/4/1975

Những cuốn sách nên đọc về Chiến thắng 30/4/1975

Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.​

Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, thường được gọi là Ngày 30 tháng Tư, Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước (tên gọi của Nhà nước Việt Nam) hoặc ngày Sài Gòn sụp đổ (Fall of Saigon, cách gọi của báo chí phương Tây), hoặc Ngày Quốc hận và Tháng Tư Đen (trong cộng đồng người Việt chống Cộng ở nước ngoài), là sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam khi Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam tiến vào thành phố Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng nội các tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày này là kết quả trực tiếp của Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 và là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thành phố Sài Gòn sau đó được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của cố Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh nhằm vinh danh ông và sự kiện này.

Sự kiện 30 tháng 4 diễn ra sau khi tất cả công dân và lính Mỹ cùng hàng ngàn người Việt ở miền Nam Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn. Chiến dịch Gió lốc trở thành hoạt động di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử. Vì nhiều người đã di tản và chính phủ Việt Nam Xã hội chủ nghĩa áp dụng quy định mới về hộ khẩu đã góp phần làm cho dân số thành phố giảm xuống sau đó, tuy nhiên tỷ lệ giảm không nhiều (tốc độ giảm trung bình là 10.000 người mỗi năm trong khi dân số Sài Gòn là gần 4 triệu người); nhưng đến năm 1979, dân số thành phố lại bắt đầu tăng trở lại.

Để hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử hào hùng này, chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn những cuốn sách nên đọc về Chiến thắng 30/4/1975, từ những hồi ký của các nhân chứng lịch sử đến các phân tích sâu sắc về chiến lược quân sự.

Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75 | Tác giả: Trần Mai Hạnh

Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75 - Trần Mai Hạnh
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 gói lại một giai đoạn lịch sử vinh quang của đất nước, phục dựng lại sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài gòn – Hoa Kỳ. Và dường như cuốn sách cũng có một vận mệnh riêng đầy thử thách, giống như đời sống của chủ nhân cuốn sách vậy.
 
Để truy tìm kho tư liệu tối mật thuộc về lịch sử, thuộc về phía bên kia(Sài Gòn – Hoa Kỳ) là điều không tưởng với bất kỳ ai, bởi nó rất kỳ công và gặp phải vô vàn khó khăn. Nhà báo Trần Mai Hạnh đã mất nhiều chục năm sưu tầm tài liệu, từ những cuốn hồi ký của Mỹ, những đánh giá của Trung tâm quân sự hoa kỳ. Một khối lượng tài liệu đồ sộ càng không cho phép ông vội vàng được. Tuy nhiên, khi đã có đầy đủ tài liệu trong tay thì những tai ương trong cuộc đời lại khiến ông không thể chắp bút. Ông kể: “Tôi đã gặp tai nạn và tưởng chừng không qua khỏi, rồi đến khi sức khỏe có thể vực dậy đi lại được, lại là lúc gia đình gặp sự cố cháy nhà. Toàn bộ tài liệu thu thập trong nhiều năm bị mất. Đến năm 1981, tôi lại quyết định đi tìm lại tài liệu lần thứ 2. Trong quá trình sưu tầm tài liệu, cũng có nhiều sóng gió xảy ra, vật vã, kéo dài, nên khi viết xong tôi cảm giác tâm trạng bão hòa. Tôi nghĩ, số phận cuốn sách bây giờ do bạn đọc quyết định, nó tồn tại đến đâu và phát triển như thế nào. Tôi tin cuốn sách có số phận của nó”.
 
 

Đại Thắng Mùa Xuân | Tác giả: Đại tướng Văn Tiến Dũng

Đại Thắng Mùa Xuân - Đại tướng Văn Tiến Dũng
Cuốn sách chủ yếu nhằm giới thiệu với bạn đọc những vấn đề thuộc về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương, sự đấu lực và đấu trí rất thông minh của Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta trong phạm vi chiến lược và chiến dịch để dẫn đến toàn thắng, không đi sâu vào các hoạt động, thành tích và trận chiến đấu cụ thể của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, đơn vị, các địa phương và các tầng lớp nhân dân.
 
Cuốn sách không sao nói hết được những ý nghĩ, sự phân tích của tập thể Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và tập thể cơ quan Bộ Tổng tư lệnh khi hạ quyết tâm chiến lược ở thời kỳ “nút” giải quyết cuộc chiến tranh theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Không sao nhớ hết, nói hết được những tính toán chiến lược của Đảng ta để đi đến tổ chức thực hiện trên các chiến trường một cách sáng tạo, táo bạo, khẩn trương quyết tâm của Bộ Chính trị để giành toàn thắng. Không sao nhớ hết, nói hết được những hành động anh hùng của hàng trăm nghìn chiến sĩ và cán bộ trong quân đội, của triệu triệu nhân dân ta từ Nam chí Bắc, sự đóng góp hết lòng, hết sức của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân đê làm nên thắng lợi tuyệt vời này. Đây là công việc của nhiều đồng chí, đồng bào, của nhiều đơn vị, địa phương, của nhiều cuốn sách, bài báo, tác phẩm nghệ thuật trong nhiều tháng tới và nhiều năm tới, tiếp tục cung cấp thêm nhiều tài liệu để giới thiệu Đại thắng Mùa Xuân, cuốn sách này còn nhằm kịp thời bác bỏ những luận điểm sai trái, phản động do những kẻ xuyên tạc lịch sử, những bọn cướp nước và bán nước thua trận đang dựng lên hòng bào chữa cho thất bại thảm hại của chúng và hạ thấp chiến thắng của dân tộc ta. Do tầm cỡ vĩ đại của chiến thắng, một người không thể nhìn bao quát và do thời gian gấp rút, cuốn sách này không tránh khỏi có những thiếu sót, mong bạn đọc thân mến bổ sung và góp ý kiến.
 
 

Chân Trần, Chí Thép | Tác giả: James G. Zumwalt

Chân Trần, Chí Thép - James G. Zumwalt
Cuốn sách như một thông điệp về hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh gửi tới, trước hết là cho chính người Mỹ. Bạn đọc Việt Nam cũng có thể tìm thấy ở cuốn sách này hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến thần kỳ qua góc nhìn của một người từng ở bên kia chiến tuyến cũng như những tiết lộ chưa từng biết đến từ trước đến nay.
 
Bên cạnh các trang viết của tác giả Zumwalt, bản tiếng Việt còn có lời giới thiệu cùng các bài nhận xét, phân tích của Thượng tướng Phan Trung Kiên – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Thành Tâm, PGS. TS. Hà Minh Hồng… Trong lời giới thiệu, Thượng tướng Phan Trung Kiên viết: “Đọc cuốn sách, tôi có cảm nhận như sống lại giai đoạn chiến tranh chống Mỹ hào hùng của dân tộc”. Và ông cũng đánh giá cao thiện chí cũng như sự quyết liệt của tác giả: “Tôi khâm phục sự trung thực và dũng cảm của tác giả quyển sách khi bộc lộ những cái nhìn khác biệt với quan điểm thù hận ở thời tuổi trẻ của ông và chính quyền Mỹ hồi đó”.
 

Tác giả James G. Zumwalt xuất thân trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp. Cha ông là Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, và sau này là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.

 

Bên Thắng Cuộc | Tác giả: Huy Đức

Bên Thắng Cuộc - Huy Đức
Bên Thắng cuộc được chào bán lần lượt vào 12 tháng 12 năm 2012 và 13 tháng 1 năm 2013 trên Amazon. Cuốn sách tường thuật lại những sự kiện đã xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là về mặt chính trị và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ yếu từ thời điểm 30/4/1975 tại Việt Nam cho tới gần đây. Cuốn sách nhận được rất nhiều tranh cãi cả khen ngợi và phê bình trên báo trong và ngoài nước cũng như dư luận. Bên Thắng cuộc là cuốn sách bán chạy nhất trong mục về Lịch sử Đông Nam Á trên trang Amazon trong tháng 12/2012. Sách in cũng được nhật báo Người Việt tại Mỹ phát hành.
 
Huy Đức viết: “Cuốn sách bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để giành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.”
 
 

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi | Tác giả: Nguyễn Văn Thạc

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi - Nguyễn Văn Thạc
Đọc nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc (do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành tháng 9-2005), chúng ta vô cùng tự hào về một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc. Ở đó, chúng ta còn bắt gặp một hình mẫu thanh niên tiên tiến, mẫu mực, sống đầy trách nhiệm, hoài bão: NGUYỄN VĂN THẠC.
 
Cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” do liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc viết có tên thật là “Chuyện đời”, sau này được Nhà xuất bản Thanh Niên in và đổi tên là “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Chính vì vậy, trong cuốn nhật ký này, liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã viết, say sưa kể và đưa ra nhiều suy nghĩ, quan niệm của mình về “triết lý sống”. Xuyên suốt trong đó là một triết lý sống đẹp, sống có ích, không sống hoài, không sống phí. Tư tưởng này, một phần tác giả bị ảnh hưởng bởi phương châm sống của nhân vật Paven trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai A.Ostrovsky (được liệt sỹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn nhật ký); một phần là do ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử thời đại, khi mà cả nước đang sục sôi một lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
 
Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc quan niệm đã là thanh niên, là đảng viên thì phải biết sống cống hiến, có trách nhiệm với dân tộc, đất nước. Anh đã viết: “Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là người con của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng” (dòng nhật ký viết ngày 24-12-1971, trang 120). Và anh rất tự hào về con đường mình đã lựa chọn là “bộ đội Cụ Hồ”: “Mình đã yên tâm dần với cuộc đời cống hiến này. Có thể tự hào một chút chứ nhỉ. Song, vấn đề là phải tự nâng cao trình độ để cống hiến được nhiều và đẹp đẽ hơn” (nhật ký ngày 4-12-1971, trang 104). Đến ngày 24-1-1972, anh lại tiếp tục khẳng định: “Tuổi thanh niên là tuổi cống hiến. Thạc đừng vội nghĩ đến những đòi hỏi hưởng thụ. Hãy cao hơn những tính toán cá nhân” (trang 139).
 
 

Biệt Động Sài Gòn – Chuyện Bây Giờ Mới Kể | Tác giả: Mã Thiện Đồng

Biệt Động Sài Gòn - Chuyện Bây Giờ Mới Kể - Mã Thiện Đồng
Biệt động sài gòn một đội quân không quân phục , không ở đâu trên thế giới này có , là một lực lượng tinh nhuệ , quả cảm của quân đội ta đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh :Nêu cao tinh thần quyết chiến , lấy ít đánh nhiều , lấy nhỏ thắng lớn .Đây là những cách đánh tiêu biểu cho cuộc chiến tranh nhân dân , cho chiến tranh du kích , góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược , dưới sự lãnh đạo của Đảng và của quân đội ta .
 
Đây là truyện viềt về người thực việc thực , của những nhân chứng lịch sử , vì thế tôi hy vọng cuốn sách này giúp ích nhiều cho việc giáo dục thanh thiếu niên học sinh sinh viên hiểu biết thêm , học tập và phát huy truyền thống chiến đấu anh dũng , đạo đức cách mạng , không ngại hy sinh gian khổ của cha ông , đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc ta trong những năm đánh Mỹ xâm lược ở thế kỷ hai mươi.