Mô tả
Giới thiệu tác phẩm Cuộc Sống Ở Trước Mặt
Bà Rosa, một bà già Do Thái từng bị bắt đến Auschwitz và từng tự vệ (thuật ngữ chú bé Momo mười tuổi – nhân vật tôi – sử dụng chỉ gái điếm) ở phố Blondel, Paris, đã mở một “quán trọ không gia đình dành cho những đứa trẻ sinh ngoài giá thú”, hay nói cách khác là một quán trọ bất hợp pháp nơi các bà các cô làm nghề tự vệ bỏ rơi con cái mình. Cậu bé người Ả rập Momo kể lại cuộc sống của mình ở nhà bà Rosa và tình yêu của cậu dành cho người mẹ duy nhất còn ở lại với mình ấy, một bà già cổ lỗ, to béo, xấu xí và đáng kính mà cậu yêu bằng cả trái tim. Và cậu sẽ ở bên bà cho đến những ngày cuối đời bà.
Mọi thứ đã định sẵn để tạo nên một tình yêu không-thể-có: giữa chú bé Momo và Madame Rosa có hơn nửa thế kỷ tuổi tác và gần một tạ cân nặng, Momo thì nhìn về phía trước cuộc đời còn Madame Rosa chỉ ngoái về quá khứ; thêm vào đó, Momo là người Ả-rập còn Madame Rosa là người Do Thái.
Thế nhưng bạn sẽ nhận ra đây là một câu chuyện tình đẹp như mọi điều không thể khác, một trong những gì kỳ diệu mà chỉ văn chương mới biết cách tạo ra. Nói đúng hơn, chỉ văn chương của một số rất ít nhà văn mới có thể tạo ra. Émile Ajar, tức Romain Gary, ở giai đoạn sáng tạo thứ hai của cuộc đời mình, đã viết nên một kiệt tác nữa không hề thua kém Lời hứa lúc bình minh (1960). Mười năm sau câu chuyện tình yêu giữa hai mẹ con nhà Romain, là câu chuyện về cậu bé Momo với một lời hứa khác khi đứng trước mặt cuộc đời.
Cuộc sống ở trước mặt nhận giải Goncourt năm 1975, đồng thời làm dấy lên một vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử giải thưởng danh giá nhất nước Pháp. Bộ phim cùng tên (1977) của đạo diễn Moshé Mizrahi đã đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1978, và nữ diễn viên nổi tiếng Simone Signoret trong vai Madame Rosa đã nhận giải César cho diễn xuất năm 1978.
Độc giả review
Kết thúc cuốn tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt, mặc dù cậu bé Momo đã đổ bao nhiêu nước hoa lên xác Madame Rosa, thì người chết vẫn không thể tỏa hương được mà buộc lòng phải tỏa ra mùi xác chết. Nếu không thế thì người ta chắc vẫn chưa phát hiện ra Madame và Momo vẫn có thể còn được ở bên cạnh bà. Nằm bên cạnh Madame nồng nặc mùi tử khí trộn lẫn với mùi bao nhiêu chai nước hoa mà Momo đã dốc lên đấy, Momo hãy còn nhận xét rằng cuộc sống có mùi vị gì đâu. Cái nhận xét ấy ngậm ngùi như chính tên tác phẩm: Cuộc sống ở trước mặt. Cuộc sống có ở trước mặt không khi ở những trang cuối cùng của tiểu thuyết, hai nhân vật chính, người thì chết rã, người thì, cái cậu bé mười tuổi à không mười bốn tuổi đấy, biết sẽ lang thang ở cái xó xỉnh nào của Paris, rồi có đến lúc cậu phải “tự thân vận động” như mẹ cậu đã từng không? (“Tự thân vận động” là một trong những “thuật ngữ” của Momo, trong truyện này có nghĩa là… Nếu biết mẹ cậu là gái đĩ, có lẽ không cần giải thích gì hơn.)
Với cái kết đó, cuộc sống chắc chắn không ở trước mặt, còn ở đâu thì tôi không biết. Có khi nó chẳng ở đâu cả. Lại dẫn lời Momo: “Cuộc sống, nó không phải là thứ dành cho tất cả mọi người”. Và nữa, làm gì có sự công bằng trên thế giới này, khi mà “có những người có tất cả mọi thứ, từ xấu xí, già nua, đến nghèo khó, bệnh tật [như Madame Rosa] trong khi có những người chẳng có gì.”
Những ngày tôi đọc Cuộc sống ở trước mặt là những ngày bận rộn. Thời gian trước đây, một tuần tôi đọc trung bình ba bốn cuốn sách các loại, còn thời gian này tôi thường đọc nhiều quyển cùng một lúc và hầu như cuốn nào cũng chừng vài chục trang là bỏ dở. Thế mà, mỗi ngày vài chục trang, tôi không bỏ Cuộc sống ở trước mặt để nhảy sang những cuốn khác. Cuốn tiểu thuyết này không có một cốt chuyện hấp dẫn hay những tình tiết giật gân, nó chỉ có một thứ mà rất nhiều cuốn khác, đặc biệt là những cuốn best-seller không có: văn chương đích thực.
Đọc Cuộc sống ở trước mặt, bên cạnh tận hưởng hạnh phúc của việc thưởng thức một thứ văn chương hảo hạng, ta còn có thể hạnh phúc khi nhận ra rằng mình không phải có những thứ mà Madame Rosa của Momo có.
– Khuyết danh –