Mô tả
Sơ lược tác phẩm Truy Tìm Bức Tranh Thánh
Khi chết, cha của Adam Scott chẳng để lại già ngoài một bức thư mà chính ông chưa bao giờ mở ra. Adam e rằng chính bức thư sẽ mang lại tai hoạ cho gia đình anh. Không thực hiện lời hứa với mẹ, Adam đã mở bức thư này và ngay lập tức anh đã phải thừa nhận rằng cuộc đời anh sẽ không còn được như xưa nữa. Anh không còn có quyền lựa chọn, bởi đây là vấn đề, như cha anh nói: Danh dự…
Adam đọc lại bức thư một lần nữa, nhận ra bố đã tin cậy anh biết chừng nào. Tim anh thổn thức khi nghĩ đến bố đã uổng phí cả một cuộc đời vì những lời xì xào bóng gió của những kẻ thuộc cấp – chính những kẻ đó cũng đã đưa sự nghiệp của anh sớm chấm dứt như thế này. Cuối cùng, sau khi đọc bức thư đến lần thứ ba anh gấp nhỏ lại và nhét lại vào phong bì. Rồi anh cầm chiếc phong bì trên bàn lên. Dòng chữ Đại tá Gerald Scott được viết bằng chữ đậm ngang qua phong bì, màu mực đã phai. Adam rút chiếc lược trong túi áo trong ra và luồn vào mép chiếc phong bì, chậm rãi rọc ra. Anh lưỡng lự một lát trước khi lấy ra hai trang giấy, cả hai đều đã ngả màu vàng vì thời gian. Một tờ có vẻ là một bức thư, còn tờ kia hình như là một loại chứng từ gì đó. Chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã in trên đầu tờ giấy viết thư, phía trên là tên Reismarshal Hermann Goering. Tay Adam hơi run khi anh đọc dòng đầu tiên…
Trích đoạn
Kremlin, Moscow
19 tháng Năm, 1966
— Đây là tranh giả.
Vị lãnh đạo nói và nhìn bức tranh nhỏ tuyệt đẹp ông đang cầm trong tay.
Đồng sự của ông đáp:
— Không thể thế được. Bức tranh Thánh George và Con Rồng của Sa hoàng vẫn được bảo vệ cẩn mật trong Cung điện Mùa đông suốt hơn năm mươi năm nay kia mà.
Người đàn ông luống tuổi đáp:
— Hẳn là như vậy rồi, Yuri. Nhưng suốt hơn năm mươi năm qua chúng ta chỉ bảo vệ một bức tranh giả. Nhất định Sa hoàng đã đem bức tranh thật đi đâu đó trước khi quân ta tiến vào St. Peterburg và chiếm Cung điện Mùa đông rồi.
Yuri cựa quậy không ngừng trong chiếc ghế bành trong khi trò mèo vờn chuột vẫn tiếp tục như vậy. Sau nhiều năm, với tư cách là một nhà lãnh đạo, Yuri biết rõ rằng ai đã trở thành con chuột từ lúc chuông điện thoại nhà ông réo vang vào lúc bốn giờ sáng hôm nay, báo tin vị lãnh đạo cấp cao yêu cầu ông đến ngay lập tức.
Người đàn ông nhỏ bé hỏi:
— Tại sao lại chắc chắn đó là tranh giả, Leonid Ilyich?
— Yuri yêu quý của tôi ơi, bởi vì trong mười tám tháng qua người ta đã tiến hành thẩm định lại tuổi của tất cả các báu vật trong Cung điện Mùa đông bằng phương pháp phóng xạ Các bon, phương pháp hiện đại nhất và không bao giờ sai lầm – Vị lãnh đạo nói, cho thấy những hiểu biết của ông về các phát minh mới – Và cái mà chúng ta luôn cho là một trong những kiệt tác lớn nhất của quốc gia hoá ra được chép lại sau thời đại Rublev những năm trăm năm.
Yuri ngờ vực hỏi:
— Nhưng ai chép và chép để làm gì kia chứ?
Vị lãnh đạo nói:
— Các chuyên gia nói với tôi có thể đó là bản chép của một hoạ sĩ triều đình. Một tháng trước khi Cách mạng nổ ra, người ta giao cho ông ta nhiệm vụ chép lại bức tranh. Người phụ trách Bảo tàng ở Cung điện Mùa đông vốn luôn luôn lo rằng vành vương miện bằng bạc của Sa hoàng không được gắn chặt vào khung tranh, cũng như tất cả các bảo vật quốc gia khác.
— Nhưng tôi luôn nghĩ rằng vành vương miện bạc ấy đã bị một tay săn đồ lưu niệm nào đó đánh cắp trước khi chúng ta tiến vào St. Peterburg.
Vị lãnh đạo nói, đôi lông mày chổi sể của ông nhướng lên như mỗi khi đã nói xong một vấn đề nào đó:
— Không. Không phải là vành vương miện bạc của Sa hoàng bị đánh tráo, mà là bức tranh này.
Yuri nói như tự hỏi mình:
— Vậy thì Sa hoàng có thể làm gì với bức tranh thật kia chứ?
Leonid đặt tay lên bức tranh nhỏ trước mặt nói:
— Đó chính xác là điều tôi muốn biết, anh bạn thân mến ạ – Ông nói thêm – Và anh chính là người được chỉ định để trả lời câu hỏi ấy.
Lần đầu tiên Yuri tỏ ra không tự tin lắm:
— Nhưng các anh có chút manh mối nào để tôi tiếp tục không?
Vị lãnh đạo thừa nhận:
— Rất ít ỏi.
Ông lật lật một tập hồ sơ lấy từ ngăn kéo trên cùng của bàn làm việc xuống và nhìn vào những dòng chữ đánh máy sin sít, đọc:
— Ý nghĩa của các bức tranh thánh trong lịch sử Nga.
Có ai đó đã đánh dấu trước trong suốt mười trang báo cáo, do đó vị lãnh đạo chỉ cần đọc lướt qua. Leonid có vẻ đặc biệt thích thú trang bốn. Sau khi giở nhanh ba trang đầu ông bắt đầu đọc to:
— Vào lúc Cách mạng nổ ra Sa hoàng Nicolas II coi tuyệt tác của Rublev như một tấm hộ chiếu để chạy sang phương Tây tự do. Chắc chắn Sa hoàng đã phải làm một phiên bản và để lại trong phòng làm việc cũ của mình, nơi vẫn thường treo bức tranh thật – ông nhìn lên – Ngoài điều này ra chúng ta chẳng có gì trong tay nữa cả.
…